- Ngày 20/4, tại TP.HCM đã diễn ra buổi toạ đàm “Thực trạng biến đổi khí hậu toàn cầu: Nỗi sợ và hy vọng”. Tham dự buổi toạ đàm, có các nhà khoa học trong các lĩnh vực tự nhiên, môi trường, nhà văn cùng sinh viên của nhiều trường đại học ở TP.
Thực trạng biến đổi khí hậu toàn cầu tác động như thế nào đến Việt Nam; để tránh thảm hoạ do biến đổi khí hậu toàn cầu, chúng ta cần có sự thay đổi như thế nào về tư duy trong việc phát triển kinh tế, đời sống xã hội? Lối sống, các ứng xử của chính chúng ta có tác động gì đến việc ngăn ngừa tình trạng này?
Đó là những nội dung chính trong buổi toạ đàm “Thực trạng biến đổi khí hậu toàn cầu: Nỗi sợ và hy vọng” diễn ra vào ngày 20/4 do Báo Tuổt Trẻ và Tạp chí Tia Sáng phối hợp tổ chức.
Các diễn giả tham gia buổi toạ đàm. |
Diễn giả tham dự buổi giao lưu gồm các nhà khoa học, các nhà văn hoá: Chuyên gia về môi trường - GS TS Phạm Duy Hiển; TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn; PGS TS Nguyễn Văn Phước - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường - Đại học Quốc gia TP.HCM; nhà văn Nguyên Ngọc và nhà văn hoá Lê Ngọc Trà cùng các bạn thanh niên, sinh viên từ các trường đại học trên địa bàn TP.HCM.
Chúng ta phải hành động vì chính môi trường sống của chính chúng ta. |
Tại buổi toạ đàm, GS TS Phạm Duy Hiển đã trình bày về thực trạng biến đổi khí hậu toàn cầu và tác động của nó đến Việt Nam.
Theo GS TS Phạm Duy Hiển thì nguyên nhân chính dẫn đến việc khí hậu toàn cầu bị biến đổi như hiện nay chính là do sự tác động của con người đối với môi trường tự nhiên. Nhiệt độ của khí quyển tăng là do lượng CO2 mà người tạo ra trong quá trình đốt nhiên liệu và sử dụng quá nhiều hoá chất và các nguồn nguyên liệu hoá thạch.
Và để ngăn chặn thảm hoạ nhiệt độ trái đất nóng lên, chúng ta phải tích cực giảm lượng khí thải CO2. GS TS Phạm Duy Hiển còn nhấn mạnh rằng, cuối thế kỷ XXI con người sẽ sống trong thời đại “phi cacbon” vì thế ngay từ bây giờ cần có ý thức tự tiết giảm lượng CO2 do chính con người tạo ra trong quá trình hoạt động và sản xuất.
Theo GS Lê Văn Trà, việc trái đất nóng lên, ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường tự nhiên thì môi trường nhân văn cũng chịu tác động không nhỏ. Vậy nguyên nhân chính dẫn đến việc biến đổi khí hậu là do con người sử dụng quá nhiều nguyên liệu hoá thạch, phá rừng cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho việc biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và mạnh.
Rác thải - một trong những nguyên nhân chủ yếu phá hoại môi trường sống của con người... |
Trồng rừng và trồng rừng ven biển tạo hàng rào chắn gió là một trong những biện pháp được đông đảo mọi nguời có mặt trong buổi toạ đàm đồng tình.
Ngoài ra, nhiều thanh niên, sinh viên có mặt trong buổi toạ đàm còn cho rằng, trước mắt tự bản thân mỗi chúng ta cần có ý thức tiết giảm lượng CO2 bằng những hành động cụ thể. Có như vậy mới mong đẩy lùi và ngăn chặn được thảm họa do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra.
-
Tin, ảnh: Mai Linh