- MekoStem, ngân hàng lưu trữ, nghiên cứu ứng dụng và cung cấp tế bào gốc ở phía Nam vẫn chưa hoạt động, vì phải chờ một hành lang pháp lý.
Trước đây là rác thải, nay dây rốn của trẻ sơ sinh trở thành nguồn tài nguyên quý giá trong việc biệt hóa tế bào gốc và ứng dụng điều trị nhiều bệnh nan y. Ảnh: H.Cát
Trong khi đó, việc phân lập tế bào gốc từ máu cuống rốn và nhu mô cuống cuốn của ngân hàng này đã bắt đầu được vận hành với hiệu suất thành công 90%. Với 1 dây cuống rốn có diện tích tương đương khổ giấy A5, trong ba tuần, các nhà khoa học có thể nuôi cấy được 6 tỷ tế bào. Ngoài ra các thông tin liên quan đến các mẫu tế bào gốc cũng đã bắt đầu được lưu vào máy tính.
Những thông tin này vừa được DS Đặng Thị Kim Lan, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu độc lập cấp nhà nước "Ngân hàng lưu giữ tế bào gốc dây cuống rốn phía Nam và ứng dụng trị liệu trên người" đưa ra trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, ngày 17/6.
Đề tài này có thời gian thực hiện là 5 năm (1/2007 - 1/2012). Kinh phí đầu tư là 5 tỉ đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học do Bộ Khoa học - Công nghệ đầu tư là 2 tỉ đồng.
Mục tiêu của đề tài là xây dựng ngân hàng tế bào gốc từ cuống rốn bao gồm tế bào gốc từ máu cuống rốn và màng lót dây rốn. Bên cạnh đó, đội ngũ tham gia đề tài sẽ phải hoàn thiện kỹ thuật thu gom, xử lý, bảo quản tế bào gốc máu cuống rốn và tế bào gốc nhu mô cuống rốn.
Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã xây dựng xong cơ sở vật chất, với các trang thiết bị chiết tách, phân ly, thùng lạnh bảo quản (những thùng này có thể cất giữ khoảng 3.600 mẫu tế bào gốc, ở nhiệt độ - 196oC trong nitơ lỏng).
Đồng thời, hợp tác khoa học giữa nhóm nghiên cứu và các đơn vị khác như Học viện Quân y, BV Y học Cổ truyền, BV Truyền máu & Huyết học, BV An Sinh, Viện Bỏng Quốc gia... trong nghiên cứu biệt hóa tế bào gốc, trao đổi mẫu và hỗ trợ việc điều trị: một số bệnh lý về máu (thiếu máu, bệnh ác tính ở cơ quan tạo máu), vết thương khuyết da, các bệnh về xương, khớp.
Tuy nhiên, theo một thành viên trong đoàn Bộ Y tế, Việt Nam chưa có một văn bản pháp lý nào cụ thể quy định hoạt động của các ngân hàng loại này, nên đến giờ, ngân hàng tế bào gốc cuống rốn phía Nam chưa thể khai thông.
Trong thời gian chờ đợi, ngân hàng này vẫn tiếp tục nghiên cứu và thu giữ những dây cuống rốn, trước đây vốn chỉ là rác thải y tế, được sản phụ tự nguyện hiến tặng. Việc lưu giữ này giúp cho các nhà khoa học có một nguồn tài nguyên để tái nghiên cứu hoặc tái điều trị.
Việt Nam hiện có 4 ngân hàng tế bào gốc đã được thành lập, của các đơn vị Công ty cổ phần Mekophar, Công ty cổ phần Ngọc Tâm, Bệnh viện quân y 103, BV Truyền máu & Huyết học TP.HCM.
-
Hương Cát