221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1090050
"Bầu sữa" khoa học: Miễn phí… không miễn phí
1
Article
null
'Bầu sữa' khoa học: Miễn phí… không miễn phí
,

 - Nghị định 115 có cắt đi "bầu sữa" của các nhà nghiên cứu khoa học cơ bản không? Băn khoăn ban đầu ấy đã vơi dần sau ba năm triển khai. Điều còn lại là “miễn phí” hay không “miễn phí”…

Phòng thí nghiệm Công nghệ Nano, ĐHQG TP.HCM. (Ảnh: VNN)
Từ bao nhiêu năm rồi, các “nhà hàn lâm” trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản cũng như giới nghiên cứu khoa học nói chung, đã quen sống với “bầu sữa” miễn phí.

Quả vậy, hàng năm, đến hẹn lại lên, khoản ngân sách hành chính sự nghiệp của nhà nước lại rót xuống, chủ yếu để trả lương, cho từng đơn vị khoa học, theo số đầu người. Mặt khác, một khoản kinh phí bổ sung; gọi là ngân sách nghiên cứu khoa học, qua hệ thống xét duyệt đề tài các cấp (nhà nước, bộ, cơ sở…) lại cấp bổ sung cho từng nhóm đề tài, và cuối cùng cũng lại rót thêm cho mỗi nhà nghiên cứu.

Đến cuối năm, với một bản báo cáo tổng kết đề tài hay một báo cáo gửi tới một hội nghị khoa học trong nước, họ có thể vượt qua hội đồng thẩm định, được nghiệm thu, được thanh quyết toán.

Cứ như thế, dù chưa có được nhiều tiền để sống ngang bằng bạn bè ở công ty này công ty nọ, nhưng “ơn trời” không ai bị mất việc, hạ lương… vì các lý do như: sản phẩm nghiên cứu không có, hoặc có mà chẳng đóng góp gì cả cho nền khoa học trong nước, thế giới. “Bầu sữa” ấy đích thị là “miễn phí” còn gì nữa!

Lẽ đương nhiên là “nhân” nào thì sinh “quả” đó. Vì ít động lực và cũng ít áp lực, nên các “nhà hàn lâm” vẫn sống làng nhàng và kết quả nghiên cứu khoa học của họ cũng làng nhàng. Và do đó, không thể tránh khỏi cái hệ quả: nền khoa học cơ bản nước ta cũng làng nhàng, thậm chí thua kém nhiều nước trong khu vực.

Trong tình trạng đó, Nghị định 115/2005/NĐ-CP ra đời, rõ ràng, là hợp lý và cần thiết. Ban đầu, nghị định này có thể làm cho một số nhà nghiên cứu băn khoăn. Tuy nhiên, sau ba năm, từng bước triển khai, thực tế chứng tỏ rằng, thực chất, theo NĐ 115, phương thức cấp kinh phí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thay đổi, chứ không phải cắt bỏ nguồn này.

Riêng trong lĩnh vực khoa học cơ bản, nhà nước vẫn còn “bầu sữa” để chăm bẵm các nhà nghiên cứu. Điều này là hợp lí. Ở nước nào cũng vậy, nhà nước đều phải quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản, nếu muốn khoa học thực sự là động lực phát triển nền kinh tế xã hội của đất nước. Mặc dầu chưa nhìn thấy ngay ở trước mắt các ứng dụng kết quả nghiên cứu cơ bản trong thực tiễn, nhưng về lâu dài, trong tương lai, hiệu quả của các ứng dụng có thể nhìn thấy rõ là rất to lớn.

Vấn đề là nhà nước phải biết chọn lựa đầu tư những lĩnh vực khoa học cơ bản nào quan trọng nhất và có tiềm lực, phù hợp với đòi hỏi và khả năng đầu tư của đất nước.

Nhà nước cũng phải biết quản lý khoản ngân sách này một cách hiệu quả nhất. Đồng tiền phải được biến thành động lực, hay là phương tiện hữu hiệu kích thích sự yên tâm, niềm hứng khởi và phát huy cao độ tài năng các “nhà hàn lâm”.

Đồng tiền cũng là áp lực để thiết lập sự công bằng lên những con người lao động sáng tạo. Ai, nhóm nghiên cứu nào, không có thành quả nghiên cứu tương xứng với sự đầu tư sẽ không được giao đề tài khoa học mới, thậm chí còn phải bị chiết khấu nợ. Không có đề tài đồng nghĩa với không có lương, không có việc làm. Trong trường hợp ngược lại, họ sẽ được tín nhiệm trao thêm nhiệm vụ nghiên cứu lớn hơn, tăng kinh phí, tăng lương thưởng v.v…

Sản phẩm nghiên cứu phải được đánh giá công bằng và nghiêm túc qua một hội đồng đủ năng lực và công tâm. Điều quan trọng là các kết quả nghiên cứu phải được công bố trên các tạp chí chuyên ngành có chất lượng ở các nước tiên tiến, chí ít cũng ở tạp chí chuyên ngành trong nước với quy trình phản biện nghiêm túc.

Rõ ràng, khoản ngân sách đầu tư cho khoa học càng phải đặt trong tầm kiểm soát chặt chẽ hơn nữa của cơ quan quản lý. “Bầu sữa” cho nghiên cứu khoa học từ nay không còn là “không đáy”, không phải là món quà tặng “miễn phí” cho ai nữa, ngay cả đối với các “nhà hàn lâm” đáng kính.

Chỉ có như vậy mới đem lại sự công bằng và nâng cao thực sự điều kiện sống và làm việc của những người thực sự làm khoa học. Chỉ có như vậy, nền khoa học nước nhà, trong đó có khoa học cơ bản, mới vượt qua cảnh làng nhàng, yếu kém, sớm vươn lên sánh vai với các nước, trước hết, không ở đâu xa - các nước trong khu vực Đông Nam Á cạnh Việt Nam mình.

  • Trần Minh
     
Ý kiến của Bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,