- Việc tìm ra và ngăn chặn các nguyên nhân làm rò rỉ “bầu sữa” KHCN được đặt ra: “tiền lại quả”, “lộc bất tận hưởng”, trang thiết bị nằm “đắp chiếu”... Tất cả nên luôn tự mình “soi gương”…
Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tế bào gốc ở TP.HCM. Ảnh minh hoạ (Ảnh: V. Giang) |
Với việc triển khai từ năm 2005, Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Quyết định thành lập Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia của Bộ KH&CN trong năm 2007 theo Nghị định 122/NĐ-CP, “bầu sữa” Nhà nước dành cho nghiên cứu KHCN, thực chất được “căng” ra.
Theo NĐ115, Ngân sách chi cho KH-CN là 2% mỗi năm (khoảng 400 triệu USD) vừa được phân bổ theo đầu biên chế, vừa giao theo nhiệm vụ nghiên cứu mà các đơn vị khoa học đăng ký. Mặt khác, các tổ chức KHCN còn được phép triển khai và sử dụng nguồn thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ (KHCN) có vốn ban đầu là hai trăm tỷ đồng, và hàng năm sẽ được bổ sung không ít hơn hai trăm tỷ đồng nữa. Quỹ này còn có thể phình to nhờ huy động đóng góp tự nguyện, hảo tâm của các tổ chức và cá nhân trong ngoài nước và được bổ sung bởi tiền lãi cho vay đối với những dự án ứng dụng thành quả nghiên cứu KH và phát triển CN. Theo NDD 112, Quỹ sẽ hỗ trợ không hoàn lại toàn phần hoặc một phần cho việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do các tổ chức, cá nhân đề xuất.
Vậy là “bầu sữa” cho sự nghiệp khoa học công nghệ không những không bị cắt như giới khoa học từng thấp thỏm quan ngại, mà còn được tiếp thêm bởi nhiều một nguồn tài chính khác nhau và được vận hành theo một cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Tuy rằng, nếu so sánh con số tuyệt đối với nhiều quốc gia có GDP cao hơn, khoản tiền giành cho nghiên cứu KHCN ở Việt Nam vẫn còn thấp. Nhưng, trong hoàn cảnh nước còn nghèo, dân còn nghèo, đối với các tổ chức khoa học và các nhà khoa học, sự đầu tư tiền của đến mức đó, cơ chế quản lí ngân sách thông thoáng, thuận lợi được như vậy cũng là điều quí hóa lắm rồi.
Điều mong muốn còn lại là là việc phân bổ sử dụng và quản lí “bầu sữa” khoa học đó như thế nào là hợp lý nhất và hiệu quả nhất. và đặc biệt là làm sao chặn được những khe hở đã và từng làm rò rỉ, làm vơi cạn cái “bầu sữa” khoa học ấy. Sự lo lắng đó là có thật. Để minh họa, xin kể ra đây một vài chuyện hoặc sự việc từng được nghe thấy nơi này nơi khác.
Chuyện thứ nhất, chuyện “lại quả”. Trong xã hội ta, vẫn tồn tại cái “lệ” bất thành văn đó. Tiếc là trong lĩnh vực khoa học cũng có “lệ” đó, dù có thể không thật phổ biến. Tôi từng nghe, ở một chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ nọ, các đề tài nghiên cứu thành viên đều “tự nguyện” nộp phần trăm cho cấp lãnh đạo chương trình. Con số phần trăm này có thể đến một vài đơn vị.
Nếu kinh phí mỗi đề tài từ vài trăm triệu hay một vài tỷ đồng, và một chương trình 10 - 20 đề tài, thì khoản “lộc” mà một ít người lãnh đạo chương trình được hưởng, ngoài lương và phụ cấp trách nhiệm theo quy định, không nhỏ chút nào. Số tiền đó quí biết mấy đối với các nhà nghiên cứu “thường dân” mong muốn đào sâu hơn, nâng cao thêm chất lượng cho sản phẩm khoa học của mình.
Chuyện thứ hai, chuyện “lộc bất tận hưởng”. Có một thí dụ cụ thể và có thật: Trong một bản thuyết minh đề tài khoa học cơ bản, thuộc loại dự án hỗ trợ hợp tác khoa học với quốc tế, có một khoản kinh phí dành để mời ba cán bộ ở đơn vị quản lý đi nước ngoài, tham quan các phòng thí nghiệm.
Một nhà khoa học Việt Nam tại một chương trình hợp tác quốc tế. Ảnh minh hoạ (Ảnh: N.M.G) |
Cũng may, bản thuyết minh dự án, khi đưa ra xem xét ở một hội đồng khoa học cấp bộ, đã lập tức bị nhất trí biểu quyết cắt bỏ khoản chi tiêu vô lý trên. Điều đáng quan tâm là trường hợp nói trên chắc hẳn không phải là duy nhất. Vì không khó tìm thấy một số vị ở cấp này hay văn phòng nọ, hàng năm đi nước ngoài “cưỡi ngựa xem hoa” kiểu đó, bằng kinh phí khoa học cấp cho các đơn vị khoa học. Dĩ nhiên, việc tổ chức cho các cán bộ quản lý gián tiếp đi nước ngoài tham quan với những mục đích thiết thực, nâng cao nghiệp vụ, cũng là điều hợp lý. Nhưng phải lấy từ nguồn ngân sách khác. Tiền cho nghiên cứu khoa học phải dành cho những công việc khoa học thực sự, chứ đâu phải “lộc trời” để phân phát theo kiểu “lộc bất tận hưởng”.
Và còn đây là câu chuyện tồn tại trong chính hàng ngũ những nhà khoa học thực hiện đề tài nghiên cứu. Đất nước ta không thiếu các tập thể khoa học, các nhà nghiên cứu tài giỏi có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và cho nền khoa học của nhân loại. Đối với họ, sự đầu tư của Nhà nước không bao giờ là lãng phí, thậm chí cần phải dành cho họ những điều kiện vật chất cao hơn và sự cổ vũ tinh thần lớn hơn.
Nhưng đáng tiếc, đang tồn tại không ít những hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Chẳng hạn, được trang bị thiết bị hiện đại, đắt tiền, rồi “đắp chiếu” năm này qua năm khác. Được giao đề tài, được cấp kinh phí nghiên cứu, rồi bỏ đó hoặc thực hiện qua quýt. Hệ quả là đề tài khoa học cơ bản mà không có kết quả công bố tạp chí thế giới, thậm chí cả tạp chí trong nước. Đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng mà kết quả nghiệm thu không bước ra khỏi phòng thí nghiệm. Đề tài chuyển giao công nghệ mà không được nhà sản xuất nào sử dụng. Phải chăng đây là sự lãng phí ngân sách và nếu làm một phép tính cộng sẽ cho con số không nhỏ. Rõ ràng, đây cũng là một kiểu rò rỉ ngân sách vô hình nhưng hoàn toàn không bé nhỏ.
Vậy là tình trạng sử dụng phí phạm ngân sách Nhà nước xuất hiện không chỉ ở một cấp nào, một tầng lớp nào cả. Xem chừng nó đang tồn tại trong anh, trong tôi, trong chúng ta.
Các quan chức ở bộ, ngành, các nhà khoa học “đầu đàn” phụ trách các đơn vị khoa học; các chương trình; đề tài nghiên cứu và bản thân những người trực tiếp tham gia đề tài KHCN, tất cả đều nên luôn tự soi mình trước gương.
Trách nhiệm chặn lại sự rò rỉ “bầu sữa” KHCN là trách nhiệm chung.
- Trần Minh
Ý kiến của Bạn: