221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1101324
Siêu thị có thể bị cấm phát không túi ni-lông
1
Article
null
TP.HCM:
Siêu thị có thể bị cấm phát không túi ni-lông
,

 - Quỹ tái chế chất thải TP.HCM vừa đề xuất 4 nhóm giải pháp giảm thiểu sử dụng túi ni-lông. Theo đó, các siêu thị có thể bị cấm phát không túi ni-lông và loại bao bì này đắt đỏ hơn do bị tính phí tiêu dùng.

Bãi rác ni-lông phế thải tại chân cầu Sài Gòn, ngày 15/6/2008. (Ảnh: M.L)

Ngày 26/8, tại TP.HCM, Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM đã phối hợp với Ủy ban Kinh tế - xã hội Khu vực Châu Á Thái Bình Dương (UNESCAP, Liên hiệp quốc) và Hệ thống đề xuất Seoul về phát triển xanh (SINGG) tổ chức hội thảo “Đề xuất các giải pháp giảm thiểu sử dụng túi ni-lông tại TP.HCM hướng đến xã hội tiêu thụ bền vững”.

Theo đó, Quỹ đề xuất 4 nhóm giải pháp giảm sử dụng túi ni-lông, gồm:

1. Nhóm các giải pháp mang tính pháp lý: Cấm phát không túi ni-lông tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố - Hạn chế sản xuất, mua bán và phân phối túi ni-lông trên địa bàn thành phố

2. Nhóm giải pháp mang tính kinh tế: Tính phí tiêu dùng túi ni-lông; tính trên đơn vị túi ni-lông được sản xuất, cộng vào giá thành túi ni-lông và người tiêu thụ (sử dụng túi ni-lông) phải trả. Tính vào phí thu gom và tái chế túi ni-lông; người sản xuất túi ni-lông phải trả và không được chuyển (một cách chính thức) sang người tiêu dùng thông qua giá sản phẩm.

3. Nhóm các giải pháp tình nguyện: Khuyến khích các siêu thị, trung tâm thương mại cam kết tham gia chương trình giảm sử dụng túi ni-lông đựng hàng.

4. Các giải pháp khác: Tuyên truyền giảm sử dụng túi ni-lông và định hướng người tiêu dùng thói quen dùng túi sử dụng nhiều lần. Lập hệ thống thu gom và tái chế túi ni-lông.

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Cách Tuyến - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường ở TP.HCM đang ngày càng trầm trọng. Đặc biệt là nạn “ô nhiễm trắng” - ô nhiễm môi trường do thói quen sử dụng túi ni-lông đang ngày càng tăng trong dân cư thành phố.

Ông Tuyến cho rằng, để đạt được mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng túi ni-lông trong tiêu dùng, trước tiên cần tập trung vào một số nhóm giải pháp. Về cơ chế chính sách, cần nghiên cứu các quy định hạn chế sử dụng túi ni-lông đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng bằng cách đánh thuế vào việc sử dụng hoặc tính phí cho các công ty phân phối. Về công nghệ, cần đầu tư cho việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thay thế thân thiện môi trường, có hình thức hỗ trợ, khuyến khích để các doanh nghiệp sản xuất túi ni-lông chuyển đổi hình thức sản xuất sang bao bì tự hủy hướng tới dần thay thế hoàn toàn túi ni-lông bằng túi giấy.

Ông Tuyến cũng nhấn mạnh, việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng nhằm thay đổi thói quen và hành vi sử dụng túi ni-lông của người dân cũng hết sức quan trọng.

Theo kết quả nghiên cứu, túi ni-lông, nhờ tính tiện dụng như rẻ tiền, dễ tìm, đã và đang được sử dụng rộng rãi và quá mức cần thiết. Qua tính toán, mặc dù lượng túi ni-lông chỉ chiếm khoảng 1% tổng lượng rác phát sinh toàn TP.HCM, nhưng do tính chất tồn tại trong khoảng thời gian dài (trên 500 năm) trong môi trường nên lượng ni-lông đó vẫn gây ra những tác hại nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe con người.

Góp ý cho kế hoạch triển khai thực hiện “Chương trình giảm thiểu sử dụng túi ni-lông trên địa bàn TP.HCM”, 100% đại biểu có mặt tại hội thảo đều nhất trí với kết luận rằng chương trình giảm thiểu sử dụng túi ni-lông nên bắt đầu từ các nhà bán lẻ (siêu thị, trung tâm thương mại lớn) và các đơn vị hiện đang phân phối túi ni-lông miễn phí.

Đây là hội thảo đầu tiên tìm giải pháp giảm thiểu sử dụng túi ni-lông ở TP.HCM. Trước đó, từ tháng 9/2007 Quỹ Tái chế chất thải đã lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu đến từ các tổ chức có liên quan, nhằm xây dựng mô hình tiêu thụ bền vững phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố.

  • Mai Loan
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,