221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1101488
Túi nilon tự huỷ... có tự huỷ được không?
1
Article
null
Túi nilon tự huỷ... có tự huỷ được không?
,

 - Sau 4 tháng chôn dưới đất, các túi nilon được goị là "tự huỷ" hiện đang được sản xuất trong nước vẫn chưa thể phân huỷ hoàn toàn... theo thực nghiệm từ Viện Khoa học vật liệu.

Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hồ Sơn Lâm, Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) về vấn đề này.

- Thời gian gần đây có rất nhiều các công ty công bố sản xuất thành công loại túi nilon (trong đó thành phần chính là bột bắp) tự phân huỷ sau một thời gian nhất định. Ông đánh giá như thế nào về công nghệ sản xuất này?

PGS.TS Hồ Sơn Lâm (Ảnh: VNN)
- PGS.TS Hồ Sơn Lâm: Đúng là thời gian gần đây đã có một số công ty công bố việc sản xuất thành công loại túi nilon tự phân huỷ. Tuy nhiên, người ta công bố là một chuyện, nhưng việc chúng có tự huỷ thực sự hay không lại là chuyện khác. Hiện, chúng tôi đang có trong tay một số mẫu nilon mà người ta đã và đang “quảng cáo” là sẽ tự huỷ sau khi chôn xuống đất trong vòng 3 tháng. Tôi cũng đã thử chôn một số mẫu nilon xuống đất, và thật bất ngờ, sau… 4 tháng những mẫu nilon ấy trông không có gì thay đổi nhiều so với lúc ban đầu.

Về mặt khoa học mà nói, việc người ta kết hợp polime với một số chất phụ gia góp phần tăng nhanh quá trình phân huỷ là có thật nhưng tác hại về lâu dài là không thể lường trước được. Vì thế, cần phải phân biệt được đâu là quá trình phân huỷ sinh học, đâu là quá trình bẻ gãy sinh học. Trên thực tế, nhiều loại polime được thông báo là phân huỷ sinh học nhưng thực chất là bẻ gãy sinh học hoặc phân huỷ sinh học không có tác động của vi sinh vật, ít nhất là ở giai đoạn ban đầu.

Các hiện tượng bẻ gãy này không liên quan đến quá trình sinh học. Chẳng hạn, màng polyethylen để lâu ngày ngoài nắng sẽ trở nên khô cứng, mờ và đến một giai đoạn nào đó độ dai của màng sẽ giảm dẫn đến hiện tượng dễ xé rách hoặc tơi tả ra từng mảnh vụn. Sự phân huỷ này là quá trình lão hoá của các mạch. Các polime truyền thống vẫn bị lão hoá đến tan rã nhưng chúng lại không hoàn toàn phân huỷ. Thời gian lão hoá đến tan rã kéo dài nhiều năm (vài trăm năm). Phân huỷ không hoàn toàn kiểu này sẽ để lại trong đất những mảnh vụn, không có điều kiện cho vi sinh vật phát triển sẽ làm cho đất chóng bạc mầu, không tơi xốp.

Theo quan điểm của tôi, thì các cơ quan chức năng cần phải có sự đánh giá nghiêm túc và kiểm tra thật kỹ càng đối với những công bố trên.

Túi nilon tự huỷ sau 4 tháng chôn dưới đất vẫn chưa thể tự huỷ hoàn toàn... Thực nghiệm tại  Viện Khoa học vật liệu (Ảnh: M. Linh)

- Nói như thế có nghĩa là những công bố trên tất cả đều không đúng sự thật, thưa ông?

- PGS.TS Hồ Sơn Lâm: Tôi không dám khẳng định những công bố trên là không đúng sự thật, chỉ có các cơ quan chức năng mới có thể khẳng định và biết chắc chắn điều đó. Tuy nhiên, là một nhà khoa học, tôi hiểu rất rõ thế nào là polime phân huỷ.

Người ta có thể sử dụng tinh bột để tạo thành các polime mới, nhưng những dạng polime này chỉ phân huỷ sinh học phần tinh bột, còn những phần PVC rất nhỏ không phân huỷ ngay mà chúng nằm trong đất, chui vào các lỗ xốp của đất, làm bít các lỗ xốp này. Điều đó sẽ dẫn đến hiện tượng muối và vi lượng không thấm được vào đất mà trôi theo nước, dần dần đất sẽ bị bạc màu, trở thành sa mạc. Nếu chúng ta không chú ý đến vấn đề này, hậu quả sẽ vô cùng to lớn vì không có cách gì để cải tạo lại.

Các loại túi nilon được quảng cáo là tự phân huỷ, hoặc thân thiện với môi trường hiện đang được tiêu thụ trên thị trường tốt hay không tốt, câu hỏi này nên để các nhà chức năng trả lời. Còn theo cá nhân tôi, chúng ta cần phải cân nhắc giữa những lợi ích trước mắt với những tác hại của nó sau này. Ô nhiễm nơi có thể nhìn thấy được còn có cách giải quyết, nếu ô nhiễm nơi khó thấy (trong lòng đất) thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.

So với việc “chờ” các loại túi nilon tự tan thành từng mảnh nhỏ sau đó chui vào lòng đất thì việc tái chế túi nilon là một giải pháp mang tính khả thi hơn cả.

- Nhưng việc tái chế lại các loại túi nilon cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và sức khoẻ con người?

- PGS.TS Hồ Sơn Lâm: Để tái chế các loại túi nilon người ta cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng cũng như cách làm thế nào để tái chế cho tốt. Bởi xét về mặt năng lượng mà nói thì tái chế không mang lại hiệu quả cao, chưa kể đến việc nilon sau nhiều lần tái chế, trên bề mặt các vật liệu polime xuất hiện những chất không mong muốn có thể gây nguy hiểm đến sức khoẻ của con người và ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Vì thế, cách tốt nhất là chỉ nên tái chế khoảng vài ba lần là đủ.

- Được biết, Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng cũng đang tiến hành nghiên cứu sản xuất polime tự huỷ? Vậy loại polime tự huỷ này có khác gì nhiều so với các loại polime đươc “quảng cáo” là tự huỷ hiện đang có mặt trên thị trường?

- PGS.TS Hồ Sơn Lâm: Hiện Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu tạo ra một loại polime có thể phân huỷ hoàn toàn theo thời gian đã định. Mặc dù tất cả mới đang trong quá trình nghiên cứu, nhưng tôi khẳng định rằng, loại polime do Viện chúng tôi nghiên cứu chế tạo sẽ khác về cơ bản so với loại polime đang đuợc quảng cáo trên thị trường. Tức là, polime của chúng tôi sẽ phân huỷ một cách hoàn toàn chứ không phải phân huỷ kiểu một cách nửa vời.

- Ông có thể cho biết, thành phần chính dùng để sản xuất ra loại polime mà ông vừa nói là gì và quy trình sản xuất để tạo ra nó có gì đặc biệt?

Thực nghiệm phân huỷ tuí nilon tự huỷ trong phòng thí nghiệm Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng (Ảnh: M. Loan) 
- PGS.TS Hồ Sơn Lâm: Hiện tất cả đang trong quá trình nghiên cứu nên tôi không thể nói gì nhiều. Thành phần chính chúng tôi dùng để sản xuất polime tự huỷ là tinh bột khoai mì, bắp và một số chất phụ gia cần thiết không gây độc hại cho môi trường và sức khoẻ của con người. Loại polime này có thể tự huỷ hoàn toàn sau 30 ngày.

Quy trình sản xuất loại polime này đơn thuần chỉ là sự phối trộn các nguyên vật liệu theo một tỷ lệ thích hợp với những chất phụ gia thích hợp. Sau đó cho qua máy tạo màng để định dạng polime cho phù hợp. Đây cũng là một khó khăn mà Viện chúng tôi đang gặp phải. Vì chúng tôi chưa có máy tạo màng nên tất cả vẫn phải tiến hành một cách thủ công, cụ thể là cán bằng tay vì thế chưa tạo được những tấm màng polime có kích thước thống nhất, điều này có ảnh huởng khá nhiều đến việc đo các tính chất cơ học của chúng.

- Vậy, giá thành của loại polime này có đắt hơn so với giá thành sản xuất polime tự huỷ của các công ty hiện đang có sản phẩm trên thị trường?

- PGS.TS Hồ Sơn Lâm: Điều này cũng chưa thể nói trước được bởi trước mắt, mục đích nghiên cứu loại polime tự huỷ nói trên của chúng tôi là để dùng trong nông nghiệp. Cụ thể là để dùng cho việc làm những bầu ươm cây. Do nó tự phân huỷ hoàn toàn nên khi đưa cây ra trồng người ta không phải lột bỏ lớp nilon bọc ở bên ngoài như trước đây vẫn làm bởi tự nó sẽ phân huỷ, tan vào trong đất.

Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiến tới sản xuất chế biến polime tự huỷ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng và giá thành chắc chắn chấp nhận được. Bởi những nguyên liệu để làm ra loại polime mà chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu đều có ở Việt Nam (chỉ có duy nhất một loại nhựa là chúng tôi phải nhập từ nước ngoài) nên giá thành sản xuất sẽ không cao. Hiện, chúng tôi đang cố tận dụng những nguyên liệu có sẵn trong nước để sản xuất.

- Xin cảm ơn ông!

  • Mai Loan (thực hiện)
     
    Ý kiến của Bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;