221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1107972
Vedan, 14 năm âm thầm "giết" sông Thị Vải...
1
Article
null
Vedan, 14 năm âm thầm 'giết' sông Thị Vải...
,

 - Vedan Việt Nam đã lắp đặt và vận hành từ năm 1994 một hệ thống đường ống bí mật (có đoạn chôn ngầm, có đoạn đi trên mặt đất) ra cầu cảng số 2, tống nước thải độc hại sau sản xuất xuống sông Thị Vải.

Điều lạ là, Vedan Việt Nam đã “thoát hiểm" ngoạn mục sau rất nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra suốt thời gian dài. Chỉ khi đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên & Môi trường bất ngờ kiểm tra (ngày 10/09) và sau đó lực lượng Cảnh sát Môi trường ập vào bắt quả tang (ngày 12/09) thì sự thật mới được làm rõ...

Đường ống bí mật  

Ngày 10/09, đoàn kiểm tra Bộ TN&MT đã đến kiểm tra tại Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan (tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai). Tiếp đoàn, ông Yeh Sheau Yeh (Diệp) - Giám đốc, thuộc Văn phòng Tổng Giám đốc công ty khẳng định: Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy chỉ có hai miệng xả nước thải. Một tại rạch Nước Lớn, từ hệ thống xử lý UABS và hệ thống hồ sinh học. Miệng thứ hai xả vào hệ thống thoát nước giải nhiệt khu vực cảng Gò Dầu, thải nước từ hệ thống xử lý sinh học hiếu khí bùn hoạt tính của Nhà máy Bột ngọt và Nhà máy Lysin.

Tuy nhiên, kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra phát hiện ra một hệ thống đường ống bí mật xả chất thải ra cầu cảng số 2, đổ trực tiếp xuống sông Thị Vải.  

 

Cống xả nước thải từ nhà máy Vedan ra sông Thị Vải. Ảnh: CTV 

Cụ thể, khi kiểm tra tại 12 bồn chứa mật rỉ đường có dung tích 15.000m3, đoàn phát hiện bồn thứ 2 có dấu hiệu khác thường (rêu phủ xanh, bám bụi, sờ vào mát lạnh, trong khi các bồn chứa khác thì nóng và không bám bụi). Hỏi người phụ trách khu vực này là ông Trần (người Đài Loan), ông này không biết bồn chứa dung dịch gì (sau đó một người tên Dũng giải thích là chứa dung dịch sau lên men).  

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu vận hành đường ống từ bồn chứa này (thông qua hệ thống máy bơm) ra cầu cảng số 2. Qua quan sát thực tế, thấy dịch lỏng màu nâu đỏ, mùi hôi chảy ra miệng xả (nối thông với hai trụ bơm, hai trụ này nằm trong một thùng sắt ở cầu cảng số 2, ống trụ cắm sâu xuống nước khoảng 7-8m). Miệng xả có nhiều hệ thống van đóng mở để điều khiển dòng chất lỏng theo ý người vận hành.

Chưa hết, tại khu vực bể bán âm chứa dịch thải sau sản xuất lysin (từ Nhà máy Lysin) và bột ngọt, có dung tích từ 6.000-7.000m3, đoàn kiểm tra phát hiện hai máy bơm có công suất 350m3/h, dẫn ống về phía cầu cảng nối với hai trụ bơm nêu trên. Khi yêu cầu công ty vận hành máy bơm tại bể chứa bán âm, cũng phát hiện dịch lỏng màu nâu đỏ và hôi chảy ra ở miệng xả cầu cảng số 2.

Như vậy, Vedan Việt Nam đã xây dựng một đường ống bí mật (có đoạn chôn ngầm, có đoạn đi trên mặt đất) ra cầu cảng số 2, chảy vào hai trụ bơm cắm sâu xuống sông Thị Vải (khoảng 7-8m), mở trên mặt cầu cảng một miệng xả hở bằng thép đường kính 20cm… để đổ trực tiếp nước thải thô ra sông Thị Vải.

Hệ thống thải nước “lậu” này trung bình vận hành khoảng 2h/ngày, tập trung vào đêm tối.  

Bị phát hiện, vẫn ngang nhiên xả nước thải    

Theo đoàn kiểm tra Bộ TN&MT việc lắp đặt, vận hành hệ thống máy bơm và đường ống kỹ thuật xả nước thải của Công ty Vedan diễn ra từ năm 1994. Như vậy, đồng nghĩa với gần 14 năm qua, Vedan đã tống thẳng nước thải chưa qua xử lý xuống sông Thị Vải, mà không bị phát hiện xử lý (?). 

Theo đoàn kiểm tra Bộ TN&MT, hệ thống xả nước thải mà Công ty Vedan đang vận hành là trái với quy trình kỹ thuật xử lý chất thải, không đúng với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và đã vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.  

Đoàn kiểm tra lập biên bản, yêu cầu Công ty Vedan giữ nguyên hiện trạng toàn bộ hệ thống đường ống mà đoàn phát hiện để chờ kết quả xử lý từ cơ quan chức năng. Chấm dứt việc bơm dịch thải lỏng chưa qua xử lý ra sông Thị Vải.

 

Một đường ống xả chất thải không qua xử lý của Công ty Vedan VN. (Ảnh do Cục Cảnh sát Môi trường cung cấp cho báo NLĐ). 

Tuy nhiên, “lệnh” cấm này không làm Vedan “nao núng”. Bằng chứng là ngày 12/09 (tức 2 ngày sau khi đoàn kiểm tra Bộ TN&MT phát hiện, lập biên bản) Công ty Vedan lại tổ chức bơm hàng ngàn khối nước thải chưa qua xử lý, bốc mùi hôi thối nồng nặc ra sông Thị Vải và bị Cục Cảnh sát Môi trường bất ngờ ập vào bắt quả tang.

Ngày 15/09, trả lời báo chí về việc Công ty Vedan thải nước độc hại vào môi trường từ năm 1994 nhưng không bị phát hiện, xử lý, ông Hoàng Văn Thống (Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở TN&MT Đồng Nai) cho biết: Trung bình một năm Sở lập đoàn hai lần đi kiểm tra Công ty Vedan, tuy nhiên do thời gian ngắn (1 ngày), nên không đủ thời gian, năng lực để phát hiện ra.   “Chúng tôi từng phát hiện ra một số đường ống, nhưng nhân viên Công ty Vedan giải thích là ống bơm nước từ sông Thị Vải vào để giải nhiệt cho máy móc…!” - ông Thống nói.  

Theo một nguồn tin trong ngày 15/09, bước đầu cơ quan thanh tra phát hiện nước thải của Công ty Vedan ra sông Thị Vải có chứa nhiều axitsunfurit gây hại cho môi trường. Công ty này cũng thừa nhận mỗi ngày thải ra khoảng 1.500m3 nước thải độc hại ra sông Thị Vải.

 

Điều 183 Bộ luật Hình sự quy định "Tội gây ô nhiễm nguồn nước"

1. Người nào thải vào nguồn nước dầu mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng độc hại và gây dịch bệnh hoặc các yếu tố độc hại khác, đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10- 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

  • Thái Thiện
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;