221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1121949
Xác lập định chế mới để đưa khoa học tiến lên
1
Article
null
Xác lập định chế mới để đưa khoa học tiến lên
,

 - Công bố quốc tế các kết quả nghiên cứu khoa học chính là "thước đo" cho sự tiến bộ của khoa học nước nhà, nhưng không phải ai cũng muốn có "thước đo". Do quyền lợi, một số chức sắc khoa học thích cơ chế cũ hơn... Khắc phục vấn đề này, cần một loạt định chế mới.

Bài 1: Mổ xẻ sự yếu kém của khoa học Việt Nam

Bài 2: Khoa học VN: Cần thẳng thắn nhìn nhận vị thế yếu kém

* Công bố quốc tế: “Thước đo” không phải... ai cũng muốn

Nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Tế bào gốc, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Ảnh: VNN
Luận điểm nghiên cứu ứng dụng (NCƯD) không cần phải có công bố quốc tế cũng chính là do một số chức sắc đầu ngành dựng lên để biện minh cho các đề tài kinh phí lớn nhưng kết quả nghèo nàn!

Một giáo sư có thế lực ngành cơ học chủ trì nhiều đề tài kinh phí lớn tính toán sông hồ, nhưng không cho ra nổi một kết quả nghiêm túc là bài báo công bố quốc tế, trong khi một tiến sĩ cùng chuyên môn, với số kinh phí ít ỏi hơn nhiều, đưa được các tính toán của mình về bồi lắng bùn cát trên sông Hồng ở cửa Ba Lạt công bố tạp chí quốc tế. Khó khăn thì ai cũng nói được. Một nhóm nhà thiên văn ở ĐH Quốc gia Hà Nội đã biết dùng những thiết bị quá hạn sử dụng chỉ để hướng dẫn sinh viên, đo được các thông lượng Muon ở Hà Nội và cho ra kết quả in trên tạp chí quốc tế có uy tín. Trong khi có phòng thí nghiệm trọng điểm được đầu tư hàng triệu USD vẫn không đưa ra nổi một kết quả nghiêm túc là bài báo công bố quốc tế.

Giới khoa học không lạ tình trạng một số người khéo chạy những đề tài kinh phí lớn mà không dựa trên bất kỳ tiêu chuẩn quốc tế khách quan nào. Chính những tập quán làm ăn xấu này của một số nhà khoa học đã tạo cơ sở cho một số nhà quản lý tiêu cực tham gia tiếp tay, ăn chia, và gây khó dễ cho những người làm thật.

Thậm chí một chủ tịch hội đồng nghiên cứu cơ bản (NCCB) ngành còn đi xa hơn với luận điểm “NCCB làm cơ sở cho NCƯD không cần phải có công bố quốc tế” đã tạo điều kiện phân phát tùy tiện kinh phí các đề tài theo chủ quan của mình. Thậm chí một giáo sư đầu ngành có tiếng từng có thành tích công bố quốc tế trong quá khứ nhưng nhiều năm nay không còn công bố được nữa, nhưng vẫn muốn nắm giữ quyền phân phát đề tài NCCB, đã phản đối đề xuất mới của Bộ KH&CN yêu cầu NCCB phải có công bố quốc tế. Cái “cá nhân” của họ đã đè bẹp đạo đức khoa học.

Một số chức sắc khoa học hưởng lợi từ cái cơ chế cũ lạc hậu nên đã phản ứng chủ trương nói trên của Bộ KH&CN, rằng “NCCB của chúng ta thời gian qua đã rất tốt, phục vụ cho nghiên cứu ứng dụng, đâu cứ phải vì mấy bài báo của ai đó mà phải sửa đổi chính sách,... đâu cứ phải công bố ở đâu, ở đâu... đó mới là khoa học,… Tạp chí Cơ học của ta nay đã đòi hỏi viết bài bằng tiếng Anh nên cũng đã đạt tiêu chuẩn quốc tế để được đánh giá ngang như bài báo quốc tế (?!)”.

Có người không có công bố quốc tế nhưng nghe được những thông tin mơ hồ ở đâu đó nên cũng mạnh mồm “chỉ cần nộp tiền là đăng được bài báo quốc tế... Các bài báo của ta cứ dịch ra tiếng Anh là có thể đăng quốc tế được...”.

Có nhà khoa học có tiếng nhưng từ lâu không còn công bố quốc tế nữa phát biểu: “Chỉ mấy bài báo đầu của nhà khoa học là có giá trị, còn những bài sau chỉ là lặp lại và chế biến từ những kết quả đầu tiên...”. Những phát biểu đó gây rối cho các nhà quản lý ít hiểu biết chuyên môn, ngụy biện và tạo chỗ bấu víu cho một số đông suy kém về chuyên môn đã có tư tưởng buông xuôi.

Ở ta, ngay ở ngành toán là ngành có quan điểm khoa học tiến bộ nhất thì việc phân kinh phí đề tài NCCB vẫn mang nặng tính bình quân chủ nghĩa - ai cũng được phân một số tiền tương ứng với bằng cấp chức danh cộng với điểm thêm cho thành tích công bố bài báo, nhất là bài báo quốc tế. Cách phân dàn trải như vậy làm yếu hiệu quả vốn đầu tư. Nhiều nơi có chia số tiền nhỉnh hơn cho các đề tài NCCB có công bố quốc tế, nhưng cũng chia đều đề tài cho cả các cán bộ thâm niên đã về hưu dù nhiều người thực sự chẳng làm gì cả. Có những nơi còn có những phân chia bất bình đẳng vô lý. Một nhà vật lý có thành tích công bố quốc tế nổi bật đã phải thốt lên “người không làm việc xét người làm việc”.

Tiêu cực nổi bật trong NCCB là ở ngành Cơ học và Viện Cơ học. Có tới cả hai chục đề tài NCCB trong Viện Cơ học, trong đó có những đề tài kinh phí gấp vài ba lần các đề tài khác, nhưng cái vô lý nổi cộm là 80% số công bố quốc tế chuẩn mực ISI của Viện Cơ học 5 năm qua là thuộc về 3 đề tài bị cấp kinh phí ít nhất. Điều đó xảy ra bất kể hướng dẫn mới của Bộ KH&CN từ năm 2005 rằng phải ưu tiên các đề tài có công bố quốc tế (nhưng thiếu chế tài cụ thể !). Các chức sắc Hội đồng NCCB ngành Cơ học – những người nắm quyền xét và phân kinh phí các đề tài NCCB, đồng thời cũng là những người chủ trì các đề tài ở các mức kinh phí cao nhất, không có nổi một bài báo quốc tế nào.

* Vượt qua cơ chế cũ bằng một loạt định chế mới

Đánh giá nhà khoa học theo chuẩn quốc tế: Các nhà lãnh đạo và quản lý phải dựa vào thông tin chuyên gia khách quan để lập mới các hội đồng chuyên môn, hội đồng chức danh GS,... thay cho các hội đồng cũ gồm các chức sắc thâm niên đã lạc hậu. Theo gương quốc tế, Bộ KH&CN đã thành lập Trung tâm hỗ trợ đánh giá KH&CN để có được danh mục thành tích KH&CN cụ thể của từng nhà khoa học theo mẫu quốc tế. Tuy nhiên, như Trung tâm cho biết, sau cả năm gửi thư mời do đích thân Thứ trưởng Lê Đình Tiến ký, thì mới chỉ thu được hơn 2.000 phiếu đăng ký chuyên gia (bằng 1/10 lực lượng nghiên cứu).

Phần lớn số mẫu này là của thạc sĩ, tiến sĩ mới bảo vệ … và hầu như vắng bóng các vị chức sắc gọi là đầu ngành đang ngự trị các hội đồng và chủ trì các đề tài KH kinh phí lớn. Các kiến nghị đưa danh mục công trình của từng nhà khoa học lên công khai trên website của các cơ sở khoa học theo như thông lệ quốc tế, thường bị các chức sắc ở các cơ sở phớt lờ với lý do đó là các thông tin riêng tư, và thay vào đó người ta chỉ muốn bám vào chức danh và các mối quan hệ.

Cần có chế tài yêu cầu mọi cán bộ nghiên cứu khoa học đều phải gửi thông tin chuyên gia, nếu không sẽ không được phép nhận các đề tài nghiên cứu, hướng dẫn NCS, và tham gia các hội đồng chuyên gia. Các thông tin chuyên gia đưa ra công khai (lên Internet), ngoài những lợi ích chuyên môn đa dạng và cho công tác quản lý, còn giúp làm minh bạch hoạt động của các nhà khoa học chịu giám sát khách quan của cộng đồng.

Các hội đồng chuyên gia cần được thường xuyên thay đổi, bổ sung theo thời gian. Ở các ngành và lĩnh vực đã có được nhiều chuyên gia giỏi trình độ tương đương, chúng ta thực hiện chế độ thay đổi luân phiên để chống hình thành nhóm lợi ích.

Cần tách bạch chức vụ quản lý hành chính và chức năng chuyên môn

Không gán gượng ép cho lãnh đạo hành chính các cơ sở cái mác “chuyên gia đầu ngành” và trao quá nhiều quyền cho họ, kể cả những việc thuộc về chức năng chuyên môn như hiện nay.

Quỹ phát triển KH&CN dự kiến sẽ đòi hỏi mọi đề tài NCCB phải có công bố quốc tế, mọi nhà khoa học đứng chủ trì đề tài phải có công bố quốc tế 5 năm gần đây, và xét theo thứ tự từ trên xuống theo từng ngành.

Mặc dù mức tiền lương của các cán bộ khoa học hiện không thỏa đáng so với thu nhập thực tế trong xã hội, đòi hỏi tăng lương là chưa khả thi, vì do cơ chế, hiện có nhiều nguồn thu nhập thực tế của nhiều công chức và cán bộ khoa học – kể cả từ nguồn ngân sách - không kiểm soát được. Thêm vào đó, biên chế nhà nước phình to với nhiều cán bộ khoa học thiếu năng lực hoặc chẳng làm được gì cho KH&CN nước nhà - tăng lương đồng đều cho họ sẽ là gánh nặng cho ngân sách. Cung cấp thêm thu nhập cho các nhà khoa học có năng lực và kết quả qua đề tài NCCB, để họ tập trung vào chuyên môn, là một giải pháp khả thi trong hoàn cảnh hiện nay.

Đưa chuẩn mực khách quan quốc tế vào các bằng cấp chức danh khoa học để đảm bảo những thứ này thực sự có ý nghĩa, đầu tiên là từ các chức danh giáo sư, nghiên cứu viên cao cấp, kỹ sư cao cấp, tiếp theo là phó giáo sư, nghiên cứu viên chính, kỹ sư chính, rồi đến tiến sĩ. Phải xét ưu tiên và đặc cách cho các nhà khoa học có thành tích chuẩn mực quốc tế cao, và sản phẩm công nghệ có giá trị - coi đây là tiêu chí quyết định.

Điều này cũng liên quan tới chính sách hấp dẫn các tài năng trẻ từ nước ngoài trở về nước phục vụ.

Phải nhìn vào thực tế hiện nay để thấy rằng số đông các nhà khoa học của chúng ta không đủ khả năng và điều kiện đào tạo được TS đạt chuẩn tối thiểu, và gửi người đi đào tạo ở nước ngoài phải là hướng chủ đạo (cần quan tâm chọn nghiên cứu sinh (NCS) giỏi, trường và thầy ở nước ngoài đủ tin cậy).

Đối với đào tạo trong nước, trước tiên cần đòi hỏi mọi thầy nhận hướng dẫn NCS phải có công bố quốc tế ISI trong 5 năm gần nhất. Danh sách các thầy hướng dẫn phải được Bộ GD&ĐT duyệt và đưa lên công khai trên website để các NCS liên hệ tìm thầy và cạnh tranh để tới các thầy giỏi. Điều quan trọng không kém là cần có chính sách hậu TS: có đề tài nghiên cứu và được thăng tiến nhanh về chức danh theo thành tích chuẩn mực quốc tế để phát huy tối đa năng lực các TS giỏi, không để họ bị bỏ rơi và tàn lụi dần như những năm qua.

Nên thuê các chuyên gia quốc tế giỏi (kể cả Việt kiều) có thành tích công nghệ và công bố chuẩn mực quốc tế lãnh đạo các đề tài nghiên cứu ứng dụng trọng điểm. Qua đó, cũng giúp đào tạo tại chỗ cán bộ VN tham gia. Các chuyên gia này cũng sẽ có thể tham gia tư vấn đánh giá tại chỗ các đề tài khoa học của chúng ta. Qua các bài báo đăng tạp chí quốc tế có thể là phương pháp tốt nhất (không mất tiền, mất công tìm kiếm) để mời được chuyên gia quốc tế giỏi.

Các viện nghiên cứu được bao cấp nhà nước cần được thu gọn lại về biên chế, tuyển biên chế chính thức công khai định kỳ từ các nhà khoa học giỏi đã có công bố quốc tế. Các cử nhân, kỹ sư trẻ mới tốt nghiệp được tuyển chọn vào các viện nghiên cứu cần được thử thách và trả lương qua các đề tài nghiên cứu cho đến một thời hạn nhất định để có được bằng TS. Với hành trang đó, họ có thể xin biên chế ở các cơ sở nghiên cứu và ĐH mọi nơi trong nước, phù hợp với năng lực.

  • TS. Phạm Đức Chính (Viện Cơ học)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,