- Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử VN cho biết, đã hoàn thành giai đoạn xem xét, chuẩn bị cho Nhà nước quyết định bắt đầu Chương trình Điện hạt nhân. Năm 2009, phát triển cơ sở hạ tầng để đến năm 2020, nhà máy đầu tiên đóng điện.
|
Mô hình Nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận. Ảnh: EVN |
Tại Hội thảo quốc tế về phát triển điện hạt nhân (Hà Nội 31/10), PGS.TS Vương Hữu Tấn - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử VN cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công thương và EVN lập Dự án đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên với tổng công suất khoảng 4000MW (mỗi nhà máy 2 lò phản ứng, mỗi lò có công suất 1000MW), dự kiến đặt tại tỉnh Ninh Thuận.
Khi báo cáo đầu tư nhà máy ĐHN Ninh Thuận được Quốc hội thông qua vào khoảng đầu năm 2009, Việt Nam bước vào giai đoạn mời thầu, thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật và phát triển cơ sở hạ tầng cho ĐHN. Từ năm 2012, bắt đầu xây dựng 2 nhà máy để đến năm 2020 tổ máy đầu tiên có thể được đưa vào hoạt động; và năm 2025 mạng lưới điện quốc gia được bổ sung khoảng 11000MW công suất ĐHN.
Trao đổi với PV VietNamNet về chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho phát triển điện hạt nhân ở VN, Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Đình Tiến cho biết, để thực hiện thành công dự án 2 nhà máy ĐHN đầu tiên, cũng như phát triển chương trình ĐHN dài hạn, việc nghiên cứu, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng pháp lý, kỹ thuật, đào tạo phát triển nguồn nhân lực là những yêu cầu cấp bách mà VN phải tiến hành ngay với sự tham gia của nhiều bộ ngành.
Để tạo khuôn khổ luật pháp cho phát triển năng lượng nguyên tử ở VN, ngày 3/62008 Quốc hội đã thông qua Luật Năng lượng nguyên tử, sẽ có hiệu lực từ 1/1/2009. Các cơ quan liên quan đang khẩn trương hoàn thành việc soạn thảo một số nghị định và văn bản dưới luật để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có Nghị định riêng về ĐHN.
Về chuẩn bị nguồn nhân lực ngành Điện hạt nhân, Viện trưởng Vương Hữu Tấn cho biết, Viện Năng lượng nguyên tử VN, Tập đoàn Điện lực VN (chủ đầu tư Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận) và 5 trường ĐH đã và đang tham gia đào tạo cán bộ ngành ứng dụng năng lượng nguyên tử và ĐHN, có sự hỗ trợ kinh nghiệm của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các nước có ngành công nghiệp ĐHN phát triển như Nhật, Pháp, Hàn Quốc. Viện đồng thời tổ chức các khoá đào tạo 9 tháng cho cán bộ trẻ và đang trình Bộ KHCN xem xét thành lập Trung tâm Đào tạo Hạt nhân.
Để học hỏi kinh nghiệm quốc tế về chuẩn bị, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng ĐHN, nhiều hội thảo, triển lãm ĐHN đã được tổ chức tại Hà Nội và Ninh Thuận. Kết quả thăm dò ý kiến công chúng tại các hội thảo, triển lãm cho thấy đại đa số dân ủng hộ ĐHN dù nhận thức được loại năng lượng tái tạo khá rẻ này cần được kiểm soát chặt để đảm bảo an toàn môi trường và sức khoẻ.
|
Một nhà máy ĐHN được IAEA hỗ trợ kỹ thuật. Ảnh: IAEA |
Riêng tại Hội thảo quốc tế về ĐHN tại Hà Nội ngày 31/10, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, giới nghiên cứu, đào tạo VN đã trao đổi với các tổ chức quốc tế, các công ty nước ngoài về kinh nghiệm xây dựng, vận hành nhà máy ĐHN đầu tiên.
Việt Nam cũng lắng nghe các khuyến cáo, tuân thủ mọi hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế IAEA, dựa theo 19 tài liệu quan trọng của cơ quan này, từ giải quyết các vấn đề có tính chiến lược như thiết lập cơ sở hạ tầng, nền tảng luật pháp về ứng dụng năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, hạt nhân, cho đến đào tạo nhân lực, xây dựng, vận hành nhà máy ĐHN. Ông Thomas Mazour - đại diện IAEA cũng nhấn mạnh, IAEA sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam như hàng trăm quốc gia trên thế giới để phát triển ĐHN vì mục đích hoà bình, bằng các dự án kỹ thuật cần thiết.
Ông Mazour cũng cho biết, tại thời điểm này, nhà máy ĐHN đang được xây tại nhiều quốc gia trên thế giới; nhiều nhất là ở Mỹ với 32 nhà máy, Nga 7, Trung Quốc 6, Hàn Quốc 4... Việt Nam là một trong các quốc gia đã xây dựng được sự đồng thuận và duy trì ý chí phát triển ĐHN. Đặc biệt, thành lập được "sàn thông tin" về Chương trình phát triển ĐHN, nơi quy tụ ý kiến nhiều chiều; nhờ vậy, các nhà quản lý có thể kịp thời sửa đổi nội dung chiến lược, điều chỉnh tốc độ phát triển ĐHN cho phù hợp khả năng, điều kiện riêng.
Theo các chuyên gia năng lượng, khoảng năm 2015 Việt Nam sẽ chuyển từ nước xuất khẩu sang nhập khẩu các nguồn năng lượng, đặc biệt là phải nhập khẩu nhiên liệu để sản xuất điện. Vì vậy, ĐHN sẽ trở thành một trong các nguồn cung cấp điện năng chủ yếu giúp giải quyết tình trạng thiếu điện trước mắt và tăng cường an ninh năng lượng quốc gia về lâu dài.
Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1: Nằm ven biển, tại xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Tổng diện tích kỹ thuật toàn nhà máy là 161ha. Khu vực cách ly an toàn nhà máy bán kính 1km từ hàng rào trên đất liền: 379ha. Như vậy, tổng diện tích chiếm đất trên đất liền là 540ha, cộng thêm 310ha diện tích mặt nước ngoài biển. Các tổ máy của nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được vận hành thương mại lần lượt vào các năm 2020 và 2021
Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2: Nằm ven biển, tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, cách TP. Phan Rang -Tháp Chàm khoảng 20km về phía nam, cách T.HCM 380km. Tổng diện tích chiếm đất khoảng 556ha trên đất liền, bao gồm diện tích xây dựng 155ha và khu vực cách ly an toàn 401ha (bán kính 1km từ hàng rào). Hai tổ máy sẽ được vận hành thương mại lần lượt vào các năm 2021 và 2022.
(Ban Chuẩn bị đầu tư Dự án ĐHN và năng lượng tái tạo, Tập đoàn Điện lực VN) |