221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1127643
Trí thức khoa học cần có môi trường, cần được "cởi trói"
1
Article
null
Trí thức khoa học cần có môi trường, cần được 'cởi trói'
,

- Một người là PGS.TS Phan Toàn Thắng, người đầu tiên phát hiện ra tế bào gốc màng cuống rốn, hiện đang công tác tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS). Một người là GS.TS Nguyễn Quý Đạo, Giám đốc cao cấp danh dự của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) và là Giám đốc văn phòng đại diện trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp tại Việt Nam, người có 3 bằng sáng chế, trong đó phát minh máy quang phổ Raman rất phổ biến.

Là những nhà khoa học Việt Nam có tên tuổi ở nước ngoài, hàng năm họ vẫn thường xuyên về VN đóng góp khoa học bằng những dự án hợp tác, giảng dạy, nghiên cứu. Họ đều chung quan điểm, Nhà nước cần tạo môi trường hợp tác, cần “cởi trói” cho các nhà khoa học để có thể phát huy hết tiềm lực trí thức.

PGS.TS Phan Toàn Thắng: "Nhà khoa học cần tự ý thức rằng, cứ cống hiến thì xã hội sẽ trả công xứng đáng". Ảnh: TT 


Khuyến khích nhà khoa học thương mại hoá chất xám

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở các trường đại học nước ngoài mà tôi biết, lương của họ cũng chỉ cao ở trên mức trung bình, thì ở ta cũng vậy. Kể cả Mỹ cũng không khác. Các tiến sĩ, giáo sư Mỹ từ trẻ tới lâu năm có mức dao động từ 70.000 – 200.000 USD/năm, nhưng mức thu nhập trung bình của người Mỹ đã hơn 40.000 USD/năm. Nếu nhìn mức thu nhập này với mặt bằng thu nhập của VN dĩ nhiên chúng ta thấy sự khập khiễng và ngộ nhận rằng họ được đãi ngộ xứng đáng - PGS.TS Phan Toàn Thắng nói.

Ông Thắng kể: Trên thực tế, phần đông nhà khoa học, nhà nghiên cứu làm việc không phải vì tiền. Nếu vì tiền thì với trình độ ấy, họ có thể chọn làm ngân hàng, thương nhân... nhưng họ vì đam mê.

Tuy nhiên các nước có chính sách “cởi trói” cho các nhà khoa học, giảng dạy nghiên cứu. Cùng trong một trường học, vị trí giảng dạy như nhau nhưng ông này thu nhập không đến 200.000 USD/năm, trong khi ông kia thì 2 triệu USD/năm. Trường đại học không thể trả cao thế được, thậm chí chỉ trả lương 9 tháng (9 tháng giảng dạy có lương, những tháng còn lại phải xông ra ngoài để làm việc).

Nhà khoa học muốn có nhiều tiền thì tự thân vận động bằng cách làm thêm ở ngoài, làm những đề tài nghiên cứu cho các công ty. Chỉ có xã hội mới có thể trả lương cao hàng triệu đô như thế. Các trường, các viện luôn khuyến khích các nhà khoa học thương mại hoá chất xám của mình; sẵn sàng tạo điều kiện cho giáo sư làm thêm những công trình cho các công ty, tư vấn cho các tổ chức... miễn là công việc chính của họ vẫn được đảm bảo.

Ngược lại, nhà khoa học cần tự ý thức rằng, cứ cống hiến, cứ làm ra những sản phẩm khoa học tốt, có khả năng ứng dụng thì xã hội sẽ trả công xứng đáng cho anh, chứ không phải cứ ngồi và đòi hỏi một mức lương xứng đáng, một môi trường làm việc xứng đáng khi chưa làm được điều xứng đáng.

Cần có những chương trình hợp tác

Theo GS. Nguyễn Quý Đạo, muốn giải quyết vấn đề đóng góp của các nhà khoa học, trí thức, đặc biệt là trí thức Việt kiều, thì việc quan trọng số 1 là phải có những đề án và những chương trình hợp tác trước, với những đề tài mà Nhà nước hoặc các cơ quan nhà nước chú ý và đã quyết định cần được giải quyết. Sau đó liên lạc thẳng với nhà khoa học hoặc qua Hội người VN ở nước ngoài để mời họ hợp tác các chương trình cụ thể đó.

GS. Nguyễn Quý Đạo: "VN đang là đất dụng võ nhân tài" Ảnh: Người Viễn Xứ

Chỉ con đường thẳng đơn giản này sẽ giải quyết được chứ không phải ngồi bàn về đãi ngộ như thế nào, chỉ có thể bàn lòng vòng mà thôi. Thậm chí, có khi mức đãi ngộ tốt nhưng khi vào công việc không có sự hợp tác, cụ thể rõ ràng thì sẽ không hiệu quả và rất dễ chán nản, thất vọng cho cả hai phía mà lỗi thì không của riêng ai!

Đồng tình quan điểm cần có những chương trình hợp tác, PGS.Phan Toàn Thắng góp ý thêm, trong một cuộc họp gần đây ở VN, một doanh nghiệp lớn chuyên về địa ốc (xin phép giấu tên) cho biết họ có ý tưởng, có mong muốn làm khoa học và luôn sẵn sàng đầu tư nếu được cùng hợp tác nhưng họ không biết hợp tác với ai, hợp tác nơi nào. Đã nhiều lần tôi gặp sự chia sẻ tương tự. Rõ ràng các nhà khoa học, các viện, trường, doanh nghiệp, nhà nước hiện chưa có sự gặp nhau, chưa “ăn rơ” hợp tác với nhau.

Hiện những nhà khoa học có khả năng kinh doanh, làm giàu bằng khoa học ở Việt Nam chỉ có thể đếm đầu ngón tay. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các “nhà” nói trên thì con số này chắc chắn được nhân lên nhiều lần.

Ngoài ra, theo ông Thắng, cần có sự phối hợp giữa các viện nghiên cứu và các trường đại học để có sự giao lưu lẫn nhau

Đãi ngộ nhân tài, trước hết là sự trân trọng

PGS. Phan Toàn Thắng cho biết, những giáo sư, tiến sĩ, trí thức người Việt làm việc ở những khu công nghệ cao của các nước Pháp, Mỹ, Nhật, Singapore... khá nhiều. Họ được đánh giá cao về khả năng chịu áp lực công việc, chịu khó, tỉ mỉ. Một lần đi taxi ở Texas, lái taxi là người Trung Quốc có nói với tôi khi đi qua một khu trung tâm vũ trụ Johnson của Nasa: Có nhiều giáo sư, người Việt Nam làm việc ở đây lắm, họ giỏi lắm, tôi biết vì họ được báo chí nhắc tới nhiều.

Ở Mỹ, một tài xế taxi Hoa kiều còn có sự trân trọng các nhà khoa học Việt Nam đến như thế!

GS. Nguyễn Quý Đạo chia sẻ, cách đây hơn 600 năm, Nguyễn Trãi đã giúp vua Lê viết nhiều văn bản tha thiết kêu gọi nhân tài trong thời kì chống giặc Minh. Thời đó, dù “nhân tài như lá mùa thu” nhưng cũng quy tụ được và làm nên sức mạnh phi thường. Đây là bài học lớn về đãi ngộ nhân tài, điều quan trọng nhất là sự trân trọng.

Nhiều học trò của GS. Nguyễn Quý Đạo sau thời gian tu nghiệp, nghiên cứu ở nước ngoài đều được thầy khuyên về Việt Nam vì ông cho rằng, VN hiện đang là đất dụng võ, nếu có tài có chí sẽ gây dựng thành tài. Ngoài ra, bắt đầu sự nghiệp ở VN có nhiều thuận lợi hơn ở nước ngoài, ngoài ra được đóng góp cho quê hương mình tinh thần sẽ phấn chấn hơn.

Theo GS. Nguyễn Quý Đạo, nhiều Việt kiều khác đều nhận thấy những ưu ái của Đảng và Nhà nước trong những năm gần đây đối với kiều bào, song theo ông, vẫn cần có chính sách thông thoáng hơn nữa.

Ông chia sẻ, thực tế còn rất nhiều Việt kiều tài năng chưa trở về nước, nên cần hơn hết việc chứng tỏ được chính sách quý trọng nhân tài của Việt Nam. Nghị quyết 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức khoa học hiện nay mong rằng sẽ là làn gió mới, tạo điều kiện hơn nữa để nhiều nhân tài sẵn lòng cống hiến nhiều hơn cho nước nhà.

Trong một cuộc khảo sát lấy ý kiến "Đâu là lí do cản trở việc trí thức khoa học công nghệ trong và ngoài nước tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố?", do Sở KHCN TP.HCM gửi đi, đã có 300 câu trả lời từ các trí thức thành phố. 71,6% ý kiến cho rằng do đãi ngộ vật chất chưa xứng, 55,7% cho rằng trang bị kỹ thuật, điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn; 49,5% "chê" việc sử dụng chất xám chưa hiệu quả.
 

  • Vinh Giang

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,