-Khu vực châu Á – Thái Bình Dương (trong đó có VN) được xem là nơi có mức độ rủi ro cao nhất thế giới do thiên tai và biến đổi khí hậu.
Hội nghị quốc tế về giảm thiểu rủi ro do thiên tai và biến đổi khí hậu cho các TP biển khai mạc tại Đà Nẵng sáng 18/2 (Ảnh: HC) |
Phó Giáo sư - Tiến sĩ (PGS-TS) Rajib Shaw (Đại học Kyoto, Nhật Bản) đã cho biết như trên tại hội nghị tập huấn quốc tế “Giảm thiểu rủi ro do thiên tai và biến đổi khí hậu cho các TP biển”.
Hội nghị do Ban Thư ký CITYNET (mạng lưới vùng các chính quyền địa phương về quản lý sự định cư của con người) phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức từ 18-20/2.
Theo PGS-TS Rajib Shaw, những tác động thảm hoạ thiên nhiên tồi tệ như động đất, núi lửa, lốc xoáy, các đợt gió mùa… ở châu Á – Thái Bình Dương đang có xu hướng gia tăng rõ rệt trong các thập kỷ qua. Khu vực này được xem là nơi có mức độ rủi ro cao nhất thế giới và những TP trong khu vực là trung tâm của rủi ro.
"Một số nghiên cứu dự báo một trận động đất ảnh hưởng đến một triệu sinh mạng sẽ xảy ra ở vành đai núi Himalaya thuộc phía Nam châu Á. Chúng tôi đã tranh luận rằng các TP lớn của Trung Quốc, Indonesia, Philipin cũng là “những ứng viên”!” - GS-TS Rajib Shaw nói.
TP biển Đà Nẵng đã và đang phải đối mặt với nhiều mối đe doạ do thiên tai và biến đổi khí hậu. (Ảnh: HC) |
Trong mọi trường hợp rủi ro, gánh nặng này sẽ đè lên bộ phận dân cư có kinh tế thấp. Có những rủi ro tiềm ẩn, thường không nhận ra và tiếp tục tàn phá.
Thảm hoạ thiên nhiên không chỉ huỷ hoại tính mạng, đời sống người dân mà còn kéo dài tình trạng nghèo đói và cuối cùng là làm suy yếu những nỗ lực cải thiện các khu đô thị dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu tham dự hội nghị, hiện các phương pháp giảm thiểu rủi ro vẫn chưa được xem xét một cách cân xứng trong việc thực hiện quy hoạch ở mức độ địa phương. Các phương pháp giảm thiểu rủi ro hiện chỉ được hiểu theo cách truyền thống như một phương pháp riêng rẻ, không liên quan đến xu hướng quy hoạch đô thị.
-
Hải Châu