- Ngày 23/2, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM kiểm tra nguồn nước sinh hoạt đã qua xử lý trên địa bàn Huyện Bình Chánh. Qua kiểm tra, cả 4 trạm đều không đạt tiêu chuẩn quy định.
Gián trong bể chứa nước chung cư. Ảnh: TT YTDP |
Mẫu kiểm tra từ giếng khoan tại các trạm cấp nước An Phú Tây 1, 2, 3 và 4 trạm thuộc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Đoàn kiểm tra các chỉ số hàm lượng clor dư, độ pH và độ đục. Cả 4 trạm đều không đạt cả ba chỉ số trên.
Được biết, độ clor dư trong nguồn nước sử dụng có tính chất khử trùng, nếu thấp hơn giới hạn cho phép nước dễ bị nhiễm khuẩn do các loại vi khuẩn dễ sinh trưởng, ảnh hưởng sức khỏe.
Còn độ pH nếu không đạt chỉ số sẽ gây tổn hại ngoài da. Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã khuyến cáo các trạm tăng cường vệ sinh, thường xuyên súc rửa hồ chứa nước sạch và gia tăng độ clor dư, độ pH trong quá trình xử lý nước.
Theo đánh giá của Sở Y Tế TP.HCM, nguồn nước sinh hoạt nhiều nơi có hàm lượng clor đặc biệt cao tại các quận đầu nguồn nước như: Quận 2, Quận 9, Thủ Đức, Quận 1, 3, 5 và 6. Ngược lại, ở các quận cuối nguồn (6,7,8, Nhà Bè, Bình Tân, Gò Vấp) hàm lượng clor dư lại quá thiếu, rất dễ để các loại vi khuẩn sinh trưởng và phát triển.
Tại TPHCM, tình trạng tăng clor đầu nguồn để clo cuối nguồn không bị thiếu khiến nơi thừa nơi thiếu nên sử dụng nước ở cả đầu nguồn và cuối nguồn đều không an toàn. Từ tháng 1/2008, lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn khẩn trương xây dựng các trạm bổ sung clor ở các quận cuối nguồn, đồng thời giảm ngay lượng clor dư tại đầu nguồn (tối đa còn 0.3 đến 0.5 mg/ lít) nhưng đến nay tình trạng đầu thừa đuôi thiếu vẫn xảy ra vì chưa có trạm.
- Khôi Nguyên