- Nhà bác học huyền thoại Stephen Hawking, không chỉ được kính phục vì trí tuệ uyên bác, tác giả những giả thuyết táo bạo về sự hình thành vũ trụ mà còn được kính trọng vì nghị lực phi thường, vượt qua nỗi đau bệnh tật để vươn lên thành nhà vật lý thiên văn hàng đầu thế giới.
Bộ óc lớn trong thể xác teo nhỏ
Chỉ còn da bọc xương vì bệnh teo cơ, toàn thân tê liệt, bị gắn chặt vào chiếc xe lăn, cổ ngoẹo về một phía và chỉ cử động được hai ngón tay của bàn tay trái – đó là hình ảnh một trong những nhà thiên văn lớn nhất thời đại Stephen Hawking. Phương tiện thông tin duy nhất là chiếc máy tổng hợp giọng nói do một người bạn thiết kế riêng cho ông, hoạt động bằng cách gõ nhẹ lên các con chữ của chiếc máy tính dính liền vào xe. Mà đối với ông, cái động tác hết sức đơn giản này cũng vô cùng khó khăn. Trong tư thế bất động ấy, bộ não với năng lực sáng tạo mãnh liệt của Hawking không ngừng phiêu lưu trong những giải ngân hà có khoảng cách hàng triệu, hàng tỷ năm ánh sáng.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, chàng sinh viên nhỏ con và gầy gò luôn luôn làm cho các thầy lúng túng này đã bị các “lỗ đen” mê hoặc. Đó là các vật thể kỳ lạ, tạo ra do sự tàn lụi của các vì sao. Dùng những phương trình tương đối của Einstein, anh đã chứng minh về mặt toán học là tại trái tim của những lỗ đen, là những “cái kỳ quặc” - những điểm không kích thước, khối lượng rất lớn và do đó sức hút cực mạnh, đến mức không một vật thể nào, kể cả ánh sáng có thể thoát được ra ngoài.
Vượt qua đau đớn thể xác do bệnh tật hành hạ, Hawking vẫn hoàn thành được luận án tiến sĩ về Vũ trụ học mà ông từng đeo đuổi. Bất kể sự tàn tật, trưòng Đại học danh tiếng nhất nước Anh là Cambridge vẫn bổ nhiệm ông làm Trưởng khoa Toán – Lý, một vị trí mà trước đây chính nhà bác học Newton đã từng giữ. Trong quá trình hoạt động khoa học của mình, Hawking đã vượt qua Thuyết tương đối, Cơ học lượng tử, Lý thuyết về Vụ nổ lớn Big-bang (tiếng nổ khai sinh ra vũ trụ) và đã trở thành một “siêu sao” trong bầu trời khoa học, được coi là một trong những nhà vật lý lớn nhất hiện nay kể từ khi Einstein qua đời. Cái tên Stephen Hawking trở nên đồng nghĩa với “lỗ đen”. Toàn bộ những công trình của ông được đánh giá là “chiếc chìa khoá mở cửa vào Vũ trụ”.
Ngoài hoạt động nghiên cứu Hawking còn viết sách. Cuốn “Lược sử thời gian” của ông viết năm 1988 được liệt vào những cuốn sách bán chạy nhất thế giới với tổng số bản in lên tới 10 triệu bản kể cả những bản được dịch ra 40 thứ tiếng, trong đó có bản dịch ra tiếng Việt. Nghĩa là chỉ đứng sau Kinh thánh và một số vở kịch của Shakespeare. “Bộ sưu tầm” những giải thưởng khoa học, học vị “Tiến sĩ danh dự” và các danh hiệu khoa học ông được trao tặng có lẽ phong phú nhất hành tinh.
Luôn muốn phản biện mình
Có thể nói tài năng của Hawking không nở rộ được nhiều đến thế nếu thiếu vai trò của vợ ông, bà Jane Wilde, một cử nhân ngôn ngữ học. Biết rõ căn bệnh hiểm nghèo có thể dẫn đến cái chết bất cứ lúc nào, bà Jane vẫn quyết định lấy ông, mang lại cho ông niềm hy vọng và ý chí để tiếp tục nghiên cứu trong khi sức khoẻ ngày càng tồi tệ. Đến khi Hawking bị liệt hoàn toàn, bà bỏ hết công việc, tình nguyện làm “vú nuôi” để chăm sóc ông 24/24 giờ mỗi ngày.
Stephen Hawking đang giảng bài |
Sau khi ly dị vợ, Hawking tái hôn với người nữ điều dưỡng đã chăm sóc ông, vốn là vợ cũ của người bạn đã chế ra chiếc máy tổng hợp giọng nói cho ông.
Hawking không bao giờ bảo thủ, khăng khăng bảo vệ những thuyết mình đã đưa ra và đã được không ít người thừa nhận. Đưa ra lý thuyết về lỗ đen những trong suốt 30 năm qua, ông luôn luôn trăn trở, kiểm chứng nó qua thực nghiệm, nhất là khi Kính thiên văn vũ trụ Hubble của NASA (Cục Không gian và Du hành vũ trụ Hoa Kỳ) được phóng lên bầu trời liên tục gửi về Trái đất những kết quả đo đạc mới nhất. Nỗi băn khoăn, dày vó ông đến mất ăn mất ngủ: Điều mình khẳng định có đúng không và đúng đến mức độ nào ?
Với tinh thần khoa học nghiêm túc, ông đã từng thú nhận một sai lầm của mình năm 1985 và đến tháng 7/2004, một lần nữa giới khoa học lại chấn động - ông lại thừa nhận thuyết của mình còn thiếu thuyết phục, khi cho rằng các xoáy đen nuốt chửng vật chất và hình thành khi các ngôi sao bị huỷ diệt, và vật chất đang biến mất qua lỗ đen tới một vũ trụ mới. Ông công khai thừa nhận mình đã không đúng “dù rất tiếc đã làm những nhà văn viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng thất vọng” (vì nhiều cuốn tiểu thuyết viễn tưởng đã sử dụng ý tưởng này của ông) và đưa ra một hướng tiếp cận khác “tuy không thú vị bằng”, và cho rằng “Lỗ đen không phá huỷ mọi thứ mà nó hút vào, trái lại, nó phát ra vật chất và năng lược dưói dạng bị biến đổi”. Việc bàn luận đúng sai thuộc về các nhà bác học lớn vì chuyên môn quá sâu. Chúng ta chỉ thấy ở đây một tinh thần khoa học trung thực, sẵn sàng phủ nhận chính mình để đi đến những gì mình cảm thấy gần với chân lý khách quan hơn.
Cách đây 12 năm, năm 1997, Stephen Hawking có sang Việt Nam trong một chuyến đi du lịch bình thường, thăm cô con gái nuôi người Việt lúc đó đang học tại trường dành cho trẻ khuyết tật ở làng trẻ em SOS (Hà Nội). Ông dừng lại ba ngày, chơi với cô con gái nuôi, đi trên chiếc xe lăn có người đẩy, đưa con đi mua sắm trên khu phố cổ… Ông dừng lại 3 ngày rồi ra đi, hầu như không ai được biết.
Những mốc thời gian trong đời Stephen Hawking
Ông sinh năm 1942, phát hiện bệnh ALS vào năm 1963. 1965: Cùng với Penrose phát hiện thời gian biến mất trong các lỗ đen. Bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ. Cưới Jane. 1974: Công bố công trình về sự tạo thành các hạt trong lỗ đen. Được bầu làm Hội viên Hội Hoàng gia (tức Viện HKLKH) Anh. 1979: Được phong Giáo sư ĐH Cambridge 1985: Hoàn toàn mất tiếng 1988-89: Xuất bản Lược sử Thời gian 1995: Tái hôn 2004: Đưa ra giả thuyết mới về Lỗ đen |
-
Tuấn Hà