- Để đi đến cùng với đam mê làm robot, nhóm của Nguyễn Văn Hải (Học viện Kỹ thuật Quân sự) hàng tuần phải đi xe buýt từ Sơn Tây về Hà Nội để vào tận các xưởng cơ khí mua thiết bị, máy móc với giá rẻ nhất. Cả nhóm cùng nhận hàng điện gia dụng của một cơ sở về sửa chữa để tăng thu nhập... chỉ mong có tiền theo đuổi cuộc chơi. Tất cả vất vả chỉ vì được sáng tạo Robot!
Đó là một ví dụ trong nhiều ví dụ tương tự về các trường hợp đã và đang sống chết với Robocon. Dù nhiều khó khăn nhưng cuộc thi Robocon mà sinh viên trong cuộc vẫn nói đùa rằng "được ăn cả, ngã về không" thu hút ngày càng nhiều số lượng SV tham gia. Rất nhiều người trong cuộc cho biết, ngoài giải thưởng, cơ hội để khẳng định tên tuổi, được sáng tạo và được chia lửa cùng đồng đội là nguyên nhân chính tạo nên sức hút của cuộc thi.
Năm 2002 chỉ 22 đội tham dự thì đến năm 2009 đã lên đến 300 đội thuộc 62 trường đại học, cao đẳng trên cả nước tham dự Robocon toàn quốc. Đây còn là năm đầu tiên số lượng các trường CĐ tham gia với số lượng đông đảo nhất. Đặc biệt có sự trở lại sau 7 năm tham gia Robocon của Đại học Cần Thơ, đại diện cho khu vực miền Tây Nam Bộ, hay sự góp mặt lần đầu tiên của Đại học Tây Nguyên, một đại diện đến từ khu vực Miền Trung - Tây Nguyên.
Ăn robot, ngủ robot…
Theo Nguyễn Văn Hải, sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, ngoài những khó khăn về chuyên môn, kỹ thuật, kinh phí đầu tư là vấn đề nan giải. Mỗi một con robot được như mong muốn phải đầu tư hàng chục đầu tư từ 30 – 40 triệu đồng và rất nhiều mồ hôi công sức cũng như trí tuệ của sinh viên.
Hải thừa nhận cậu “nghiện” robot vì khi say “nó”, thấy khả năng sáng tạo của mình có đất phát triển chứ không khô cứng như nhiều chương trình học trên lớp. Vì thế, sau hai năm vào tới vòng chung kết vẫn thất bại, Hải vẫn mong… “thi tiếp được vẫn cứ thi”.
Sinh viên đam mê robocon một phần lớn vì được sáng tạo. Ảnh: VTV |
Còn nhóm BKPro của ĐH Bách khoa, từng vô địch Châu Á Thái Bình Dương thì kể: Ngày đầu gian nan lắm, cả nhóm phải góp sức làm vô vàn việc không tên, thầy hướng dẫn ngoài hướng dẫn kỹ thuật còn hướng dẫn... tìm việc làm thêm, cho sinh viên vay mượn tiền để theo đuổi cuộc chơi và giành chiến thắng.
Ngoài đầu tư tiền bạc, công sức, khi đã trót “yêu” robot thì việc “ăn robot, ngủ robot và ... thi lại cũng vì say robot” là điệp khúc của rất nhiều sinh viên. Nhưng vì tình yêu đó, họ sẵn sàng chấp nhận.
Nhiều thầy cô cũng có sự cảm thông, tạo điều kiện tốt nhất có thể để sinh viên của mình tham gia cuộc chơi trí tuệ này.
Trần Thanh Châu, ĐH Công Nghiệp TP.HCM kể: sau những ngày nỗ lực hết sức cho Robot, Châu cũng như nhiều thành viên cùng đội "hao mất vài kí thịt" là chuyện thường. Không tiếc sức vì tuổi trẻ được nỗ lực hết sức cũng là hạnh phúc. Nhưng tiếc công bỏ ra cuối cùng thu về đống sắt vụn vì mình kém tài và kém may mắn hơn các đội bạn".
Dù thất bại, nhưng bài học Châu nhận được rất ý nghĩa: Hạnh phúc của tuổi trẻ là được sáng tạo, được nỗ lực hết sức, dù cho thất bại vẫn mỉm cười.
Sau cuộc chơi, robot để trưng bày
Với những chiến binh robot thất bại thì “ngã về không”, robot sẽ chỉ là sắt vụn! – sinh viên Trần Thanh Châu, ĐH Công nghiệp TP.HCM chua chát cho biết.
Những con robot có khả năng vượt chặng đường cam go, đoạt giải sẽ được... trưng bày trong các phòng truyền thống của trường đại học.
Hàng ngàn sinh viên háo hức theo dõi diễn biến cuộc thi tại TP. Huế. Ảnh: VNN |
Lý giải điều này, TS. Nguyễn Văn Vịnh, Trưởng phòng KHCN, ĐH Công nghiệp TP.HCM cho rằng, Robocon mới chỉ dừng lại đúng nghĩa sân chơi trí tuệ. Không nên nghĩ những NCKH của sinh viên hay sản phẩm robot của sinh viên là những gì ghê gớm, siêu đẳng mà nếu không ai ngó ngàng tới là lãng phí!
Vì thực chất, những sản phẩm robot có khả năng ứng dụng thực tế, không trước thì sau sẽ được công nhận.
Lý do nữa, theo Th.s Lưu Đình Hiệp, ĐH Bách Khoa TP.HCM, các doanh nghiệp trong nước cũng không mặn mà với những sáng tạo của sinh viên, thậm chí nhiều sáng tạo của giảng viên vì thiếu thông tin. Các giảng viên hướng dẫn các em lại càng không phải là những nhà marketing có tài nên sản phẩm sinh viên chưa thuận tiện đi vào ứng dụng đời sống.
Th.s Hiệp khẳng định, nếu chỉ nhìn nhận Robocon là cuộc chơi và đánh giá sản phẩm sáng tạo của sinh viên là… đồ chơi thì chưa hẳn đúng. Tính đến nay, TP.HCM đã có 4 đề tài được triển khai từ ứng dụng Robot của sinh viên. Trong đó, đề tài của đội BKPro (ĐH Bách khoa TP.HCM) chuẩn bị được nghiệm thu với 5 sản phẩm tay máy lấy sản phẩm cho máy. Đề tài của đội Zeus (ĐH Bách khoa TP.HCM) với thiết bị bay trên nguyên lý tự cân bằng, có thể ứng dụng tốt trong việc lắp camera quan sát tại các sân bay, trong ngành cảnh sát giao thông mà không làm người bị theo dõi khó chịu. Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cũng đăng ký triển khai các đề tài thiết kế và chế tạo robot vét cống, robot lau sàn nhà và sơn tường...
Trên đấu trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sinh viên Việt Nam từng 3 lần vô địch. Chứng tỏ Robocon là sân chơi trí tuệ có sức thu hút và sinh viên VN đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình – Th.s Hiệp hãnh diện nói.
-
Thu Hương