- “Dịch tiêu chảy cấp” đang lan rộng. “Tiêu chảy cấp” là một tên gọi khác của bệnh tả, một trong 5 bệnh (bệnh tả, SARC, sốt vàng châu Phi, bại liệt, dịch hạch) mà Tổ chức y tế thế giới (WHO) quy định: khi đã khẳng định thì dù chỉ một trường hợp cũng cần công bố dịch. Vì sao vậy ? Chúng ta hãy nhìn lại 7 đợt dịch tả lớn mang tính toàn cầu.
Vì sao dịch tả làm mọi người khiếp sợ?
Người ta sợ bệnh tả là vì 3 lý do:
1. Bệnh lan truyền rất nhanh chóng dưới hình thức bùng phát, theo nhiều đường: gián tiếp qua nguồn nước bị nhiễm khuẩn và nguồn thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh trong gia đình hoặc tại bệnh viện... Những khu dân cư đông đúc, nguồn nước khan hiếm, đồng thời với khí hậu thích hợp, mùa hè chẳng hạn, sẽ là những điều kiện để vi khuẩn sinh sôi nảy nở nhanh chóng và bệnh lan truyền rộng hơn.
Sự lan truyền của dịch tả trong thế kỷ 19 và thế kỷ 20 không chỉ trong phạm vi một nước mà có tính toàn cầu, từ châu Á sang châu Âu, nhiều khi vượt biển từ Cựu Lục địa sang Bắc Mỹ...
Bệnh nhân dịch tả ở Zimbabwe. Ảnh: BBC |
3. Nạn nhân của dịch tả luôn luôn rất lớn, số người chết vì bệnh tả rất cao có khi lên tới hàng chục triệu người. Dịch tả ở một vùng, một nước nhiều khi trở đi trở lại, nên luôn luôn phải cảnh giác, đề phòng.
Bảy đợt dịch tả lớn trong lịch sử nhân loại
Lịch sử nhân loại từng chứng kiến bảy đợt dịch tả khủng khiếp mang tính toàn cầu gây thiệt hại rất lớn về người và của.
Dịch tả đã được biết đến từ 600 năm trước công nguyên, song những đợt dịch tả lớn chỉ được ghi lại tỉ mỉ với số liệu thống kê từ thế kỷ 18. Hồi đó, xuất phát điểm của dịch tả là Ấn Độ, lây lan qua dòng nước sông Hằng ra những vùng trên lộ trình của nó. Thương mại bắt đầu phát triển, những thương nhân trở thành nguồn lây lan thứ phát, sang Nga, rồi Tây Âu, rồi từ châu Âu sang Bắc Mỹ. Chỉ bằng ví dụ đó đã thấy được sự nguy hiểm của dịch tả.
- Trận dịch 1816-1826: Đợt dịch tả đầu tiên bắt đầu từ Bengal (Ấn Độ) năm 1816, đến 1820, lan ra toàn quốc. 10.000 binh sĩ Anh đồn trú tại đây theo người bản xứ sang thế giới bên kia. Dịch bùng phát qua Trung Quốc, vượt biển sang Inđonêxia (riêng tại đảo Java đã có 100.000 người chết) rồi tới vùng biển Catxpia trược khi bị dập tắt. Số người chết tại Ấn Độ lên tới 15 triệu.. Trong thời gian 1817 đến 1860, số người chết vì dịch tả ở quốc gia này là 23 triệu người. Số tử vong tại Nga trong cùng thời kỳ là 2 triệu.
Ăn uống mất vệ sinh dễ mắc bệnh tả. Ảnh: Lệ Hà |
- 1849: Dịch tả bùng phát ở Paris. London hứng chịu tổn thất tồi tệ nhất xưa nay tại đây, với 14.137 người tử vong. Từ London, dịch tả từ tàu thuỷ sang Bắc Mỹ, theo chân những người di cư, qua hệ thống sông Mississippi, làm chết 4.500 người ở St. Louis, hơn 3.000 người ở New Orleans cùng hàng nghìn người ở New York. Năm 1849, dịch tả lây lan dọc California, Mormon, Oregon Trials. Ước tính trong đoàn người đổ xô đi đào vàng tại California, Utah, Oregon, từ 6.000 đến 12.000 chết vì dịch tả. Trong số nạn nhân của dịch tả, ít ai ngờ có cả Tổng thống Mỹ James K. Polk.
- 1852-1860: Đợt dịch tả thứ ba tác động chủ yếu ở nước Nga, với trên 1 triệu người chết. Năm 1852, dịch tả truyền sang Inđonêxia, năm 1854 xâm nhập Trung Quốc và Nhật Bản, năm 1858 sang Philipin, năm 1859 tới Hàn Quốc. Cũng năm này, dịch tả lại bùng phát tại Bengal (Ấn Độ) truyền sang Irac, Iran, Arập và Nga.
- 1854: Dịch tả bùng phát ở Chicago cướp đi cuộc sống của 5,5% dân số của thành phố này. Năm 1853-4, trận dịch ở London 10.738 người chết.
- 1863-1875: Đợt dịch thứ tư lan ra hầu khắp châu Âu và châu Phi. Ít nhất 30.000 trong số 90.000 người hành hương tới Thánh địa Mecca là nạn nhân của nó. Năm 1866, 90.000 người Nga chết vì bệnh này. Trong cuộc chiến tranh Áo-Đức (1866), tại Vương quốc Áo có 165.000 chết vì dịch. Hungari và Bỉ chết 30.000 người, Hà Lan chết 20.000 ngưòi. Năm 1867, Italia chết 113.000 người.
- 1881-1996: Đợt dịch tả thứ năm bắt đầu xảy ra. Năm 1883-1887, 250.000 người châu Âu và ít nhất 50.000 người Mỹ bị dịch tả cướp đi sinh mạng. Năm 1892, số người chết vì dịch tả ở Nga là 267.890 người, ở Tây Ban Nha là 120.000 người, ở Nhật 90.000 người, Iran 60.000 người, Ai Cập 58.000 người.
- 1899-1923: Đợt dịch lần thứ sáu quay trở lại. Nhờ những tiến bộ của y tế dự phòng, thiệt hại về người ở châu Âu giảm đáng kể. Tuy nhiên, tại một số nước, thiệt hại về người vẫn rất lớn. Nga những năm đầu thế kỷ 20 vẫn có 500.000 người chết vì dịch tả. Năm 1902-1904, ở Philipin số tử vong là 200.222 người, Ấn Độ 600.000 người.
- 1961-1970: Đợt dịch tả thứ bảy bắt đầu từ Inđonêxia, năm 1963 lan sang Bangladesh, 1964 sang Ấn Độ, 1966 tới Liên Xô. Từ Bắc Phi, dịch tả truyền sang Italia năm 1973. Cuối những năm 1870, bùng phát nhỏ tại Ấn Độ và Nam Thái Bình Dương. Thiệt hại về người không lớn.
Từ Tháng giêng 1991 đến Tháng chín 1994, dịch lại bùng phát ở Nam Mỹ, bắt đầu ở Peru, nơi 1,04 triệu người nhiễm bệnh và 10.000 người tử vong. Dòng vi khuẩn có sự đột biến song vẫn bị trấn áp kịp thời.
Từ đó đến nay, dịch ta bùng phát ở một số địa phương song không lan rộng nhơ sự cảnh báo kịp thời, vùng xảy ra dịch bị phong toả có sự phối hợp giữa các nước cũng như nhờ những tiến bộ của y học dự phòng và điều trị.
Mặc dù vậy, dịch tả vẫn là một mối đe doạ toàn cầu. Nó cũng là một thước đo sự phát triển xã hội. Ở những nước có tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn nước tốt, dịch tả ít cơ hội hoành hành hơn ở những nước trình độ vệ sinh và dân trí thấp.
Thấy được những thiệt hại rất to lớn trong những đợt dịch toàn cầu, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa vì sao WHO quy định: Dù chỉ một người khẳng định chết vì bệnh tả đã phải đặt trong tình thế có dịch để ứng phó.
- Tuấn Hà (Theo Wikipedia)