221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1203980
VN thuần dưỡng thành công cá heo biển Đông
1
Article
null
VN thuần dưỡng thành công cá heo biển Đông
,

 - Các nhà khoa học của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đã vây bắt, thuần dưỡng và huấn luyện cá heo biển Đông VN phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, kinh tế và bảo vệ nguồn lợi. 3 con cá heo do nhóm đánh bắt, thuần dưỡng hiện đã biết biểu diễn 12 động tác xiếc phục vụ khách du lịch như: khiêu vũ, chào khách, nhảy múa...

Dự án này là nghiên cứu khoa học cấp TP.HCM, được Sở KH-CN đánh giá tốt, có khả năng ứng dụng thực tiễn cao.

Nhiều lợi ích so với cá heo "ngoại"

Sau khi đánh bắt, vận chuyển về bể lưu giữ trên bờ, chỉ sau 5 tháng, sức khoẻ của 3/4 con cá heo được huấn luyện rất tốt và đã thực hiện được 12 động tác biểu diễn xiếc với thời lượng khoảng 20 phút. Số cá heo còn lại vì nhiều lí do như có thai, sức khoẻ không đảm bảo... nên không thể huấn luyện mà trả về tự nhiên. Nhóm các nhà khoa học dự trù chi phí vây bắt, thuần dưỡng, và huấn luyện một con cá heo “made in VN” cho tới khi có khả năng làm xiếc chỉ bằng 1/6 chi phí của Nhật Bản.

TS Nguyễn Thị Nga, người được bè bạn thân thiết gọi là "Tiến sĩ cá heo". Ảnh: T.Hương

Theo TS. Nguyễn Thị Nga, chủ nhiệm đề tài cho biết, cá heo nằm trong loài động vật có vú quý hiếm, bị cấm buôn bán, săn bắt. Tuy nhiên, có thể định giá để so sánh thông qua giá thành của cá heo Nhật Bản, là nước có kinh doanh loài động vật quý hiếm này.

Giá thành thô (giá dự án) của VN chỉ gần 107 triệu đồng/con, trong khi Nhật Bản là 680 triệu đồng/con. Giá thành cá heo đã huấn luyện biểu diễn xiếc (giá dự án) của VN 422,5 triệu đồng/con, trong khi Nhật Bản bán 2.210 triệu đồng/con.

Tuy nhiên, đây chỉ là chi phí dự trù tính theo giá dự án, chưa tính công sức bỏ ra của nhóm các nhà nghiên cứu bỏ ra đi vây bắt, huấn luyện cá heo và thuế.

Với chi phí như vậy, theo nhóm các nhà nghiên cứu, dự án này không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn nhiều lợi ích kinh tế và bảo vệ nguồn lợi.

Nhóm các nhà nghiên cứu cũng cho biết, trong tương lai có những nghiên cứu dài hơi hơn, mục đích thuần hoá cá heo biển Đông, phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, kinh tế, bảo vệ nguồn lợi.

Tuyển cá heo khó như... tuyển nghệ sĩ

Có chứng kiến cảnh nhóm các nhà nghiên cứu lênh đênh ròng rã hàng chục ngày đi biển khảo sát, vây bắt cá heo mới thấy khâm phục sự nhiệt tình của họ. Vây bắt cá heo giữa bốn bề sóng nước, ở khu vực biển có độ sâu khoảng 10 mét rất vất vả. Vất vả hơn nữa là giai đoạn thuần dưỡng ban đầu tại bè lưu giữ trên biển. Khi thả cá xuống nước, phải nhẹ nhàng hạ một bên cáng, đỡ cá ra ngoài, vuốt ve và nâng cá lên mặt nước để cá thở tạo cảm giác an toàn thân thiện.

Cá heo do TT  làm xiếc ở CLB Cá heo Tuần Châu (Hạ Long). Ảnh: TT Nhiệt đới Việt Nga

Huấn luyện viên của cá heo, một kỹ sư người Nga nhận xét vui rằng, tuyển được một con cá heo làm xiếc khó như tuyển nghệ sĩ. Thi vào trường lớp đã sàng lọc rơi rụng nhiều, sàng lọc qua thực tế lại giảm một phần đáng kể nữa. Và cuối cùng, thực tế chỉ 3 “nghệ sĩ” cá heo có thể biểu diễn xiếc hiện đang được nuôi dưỡng ở Câu lạc bộ Cá heo Tuần Châu (Hạ Long).

TS Nguyễn Thị Nga, chủ nhiệm đề tài cho biết, cá heo là loài động vật rất thông minh và nhạy cảm, vì vậy phương pháp, quy trình vận chuyển rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, quá trình thuần dưỡng, thích nghi, huấn luyện sau này.

TS Nguyễn Thị Nga kể câu chuyện cảm động: do nhạy cảm nên khi mới về bè có khi cá heo không chịu ăn uống gì, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của cá. 5, 7 người cùng xúm vào, ghè miệng cá ra để ép nó ăn, nhưng không được. Vậy mà, khi chỉ một bác sĩ thú y lại thì thầm vào tai nó: "Ăn đi con, ăn cho chóng khoẻ chứ", chú cá heo như một đứa trẻ bướng bỉnh bỗng nhiên đổi nết, hiền lành há miệng đớp thức ăn.

Sau khi thuần dưỡng trên biển, cá heo được đưa về bể lưu giữ trên bờ bằng máy bay. Trước khi vận chuyển phải tiêm thuốc an thần cho chúng. Tổng thời gian di chuyển của cá heo là 15 giờ đồng hồ.

GS.TSKH Đào Văn Lượng, nguyên Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM cho biết, việc đánh bắt thuần dưỡng cá heo của các nhà nghiên cứu TT Nhiệt đới Việt - Nga có nhiều ý nghĩa khoa học. Các nước trên thế giới đã thực hiện nhưng ở VN đây là lần đầu tiên, hơn nữa, cá heo VN rất nhạy cảm và khó tính, chỉ cần không hài lòng, hoảng sợ, bị stress là chúng có thể lăn ra bỏ ăn mà chết!

Cá heo ông sư (Orcaella brevirostris (Gray, 1866), thuộc lớp động vật có vú. Chúng phân bố nhiều ở các vùng biển ven bờ và những con sông lớn của Đông Nam Á, phía Bắc Australia và Papua New Guinea.

Trọng lượng trung bình của cá heo khi mới sinh khoảng 12kg và khi trưởng thành là 90 – 150kg. Chiều dài khi mới sinh khoảng 90 – 100cm, khi trưởng thành là 2,1 – 2,6m.

Cá heo hiền và thông minh nên có nhiều trường hợp cá heo cứu người trên biển. Kết quả nghiên cứu cá heo biển Đông VN liên quan đến các đơn vị có nhu cầu sử dụng như: Các CLB biểu diễn xiếc, CLB thể thao cá heo bơi lội với người, trung tâm cá heo chữa bệnh thần kinh, câm điếc bẩm sinh, các viện, trường nghiên cứu về biển, các công ty trục vớt cứu hộ...

  • Thu Hương

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,