Một hệ thống thiết bị nạo vét bùn cho các sông thoát nước đã kè bờ của Hà Nội đã được chế tạo thành công bởi một kỹ sư trong nước, ở Viện Nghiên cứu Cơ khí Bộ Công thương.
Viện này vừa phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Công ty Thoát nước Hà Nộ tổ chức nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị nạo vét bùn cho các sông thoát nước đã kè bờ của Hà Nội".
Tàu hút bùn của nhóm kỹ sư Trần Đức Quảng - Viện Nghiên cứu cơ khí Hà Nội chế tạo... (Ảnh: Đ.V.H). |
Đề tài do kỹ sư Trần Đức Quảng làm chủ nhiệm, được thực hiện với mục đích thay thế phương tiện nạo vét theo công nghệ cơ khí không hiệu quả ở những nơi có lớp bùn mỏng; vừa gây hư hỏng, rạn nứt kè đá, bằng cách bổ sung về số lượng và chủng loại thiết bị nạo vét mới, công nghệ cao, lại không gây mùi hôi thối.
Cấu tạo của hệ thiết bị nạo vét bùn bao gồm bơm hút bùn - phao nổi pontoon, hệ thống tời, hệ thống cung cấp khí nén, giá đỡ...và xe chân không - , xe téc chở bùn, xe tải, thuyền chở bùn...
Sản phẩm của đề tài, đã được khảo nghiệm tại sông Tô lịch, phối hợp với các thiết bị phụ trợ khác tạo thành hệ thống nạo vét bùn hoàn chỉnh cho các sông thoát nước đã kè bờ ở Hà Nội. Nơi khảo nghiệm - sông Tô Lịch - là địa bàn nạo vét khó khăn vì bờ sông cao, mức nước nông, lượng bùn không nhiều nhưng chứa nhiều rác và phế thải. Trong thời gian thử nghiệm, các tính năng kỹ thuật, chỉ tiêu chất lượng của tàu đảm bảo yêu cầu.
Loại bơm hút bùn hoạt động theo nguyên lý chân không, đẩy bùn lên bằng khí nén. Với năng suất hút 28,16 m3/giờ, thể tích đạt 88,23% đã giảm thiểu số lượng thiết bị tham gia thi công, đặc biệt là các thiết bị đắt tiền như xe hút chân không.
Việc hút và xả bùn vào các thùng chứa và các xe téc đặt trên bờ sông tạo ra giải pháp mới cho hút bùn sông, hồ hiệu quả, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm chi phí từ 333.327 đồng/m3 xuống còn 233.000 đồng/m3.
Tuy nhiên, khi đưa vào thực tế hoạt động, đề tài không tránh khỏi một số khó khăn vướng mắc, cần khắc phục. Theo PGS.TS Lê Quang (Đại học Bách khoa Hà Nội): Đề tài đưa ra được giải pháp phù hợp với sông ngòi Hà Nội và thể hiện tính sáng tạo cao, nhưng với tình trạng giao thông Hà Nội hiện nay nên có xe chân không (bờ cao), có thuyền (bờ dưới) để đề phòng xảy ra tình trạng ách tắc đường. PGS.TS Lê Quang cũng cho biết nên có thuyền mở bụng, chạy dọc bờ sông tới chỗ có nhiều ô tô tải, trút bùn và đưa thẳng ra bãi đổ.
Còn TS. Nguyễn Quang Phái, Hội Khoa học khí tượng biển VN lại cho rằng: tuy đã ứng dụng công nghệ nước ngoài, thậm chí một số chỉ tiêu thông số kỹ thuật cao hơn, song cần nghiên cứu kỹ cách thức cải tiến, ghép công tơ, làm thành một con tàu hoàn chỉnh, không nên tạo từng khối riêng rẽ...
Với kinh phí hơn 3.037 triệu đồng, đề tài đã tạo ra được sản phẩm có ý nghĩa kinh tế xã hội, sau khi hoàn thành một số khâu công trình, sản phẩm của đề tài sẽ được triển khai áp dụng trong thực tế.
Các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sông Lừ, sông Sét, kênh dẫn nước Yên Sở và một số hồ của Hà Nội có mực nước nông trong mùa mưa, hay mùa khô đều được nạo vét một cách tốt nhất bởi sản phẩm nói trên.
-
Mai Hà