- Môi trường phóng xạ Hà Nội cao hay thấp, bình thường hay bất thường, người Hà Nội có thể yên tâm sống trong môi trường đó không?
Bất kỳ ở nơi đâu trên trái đất này, ai cũng phải sống trong một môi trường phóng xạ, cơ thể phải chịu chiếu rọi bởi vô vàn tia bức xạ. Sự khác nhau chỉ ở chỗ liều chiếu xạ đó cao hay thấp, tác hại đến mức độ nào. Điều đó phụ thuộc vào vị trí địa lý cụ thể của nơi nào trên quả đất.
Người dân Hà Nội cũng không thể nằm ngoài số phận chung đó của loài người. Vấn đề chỉ là môi trường phóng xạ Hà Nội cao hay thấp, bình thường hay bất thường, người Hà Nội có thể yên tâm sống trong môi trường đó không?
Môi trường phóng xạ tự nhiên
Các nhà nghiên cứu, các nhân viên làm việc trong các phòng thí nghiệm có chất đồng vị phóng xạ, hoặc trong lò phản ứng, máy gia tốc, hằng ngày phải tiếp xúc với chất phóng xạ hay các loại tia bức xạ, họ đều phải nhận một liều chiếu nhất định, lớn hoặc nhỏ. Người bệnh đi khám chụp X quang, đặc biệt điều trị bằng phương pháp chiếu xạ cũng phải chịu một liều chiếu bức xạ vào cơ thể.
Nói cách khác, những người nói trên đã ở trong một môi trường phóng xạ tạo bởi những nguồn bức xạ, chất phóng xạ do con người tạo ra. Cũng vì vậy, người ta gọi đó là môi trường phóng xạ nhân tạo.
Ngoài ra, tất cả mọi người đều cùng sống trong môi trường phóng xạ tạo nên bởi các tia bức xạ đến từ vũ trụ (gọi là tia vũ trụ), từ các chất phóng xạ tồn tại khắp nơi trong đất đá, cây cỏ, không khí. Đó là những đồng vị phóng xạ thuộc các họ phóng xạ Urani, Thori, đồng vị K-40, đặc biệt là chất khí phóng xạ Radon. Và đó cũng là các đồng vị phóng xạ tự nhiên. Chúng tạo thành một môi trường phóng xạ tự nhiên.
Hình 1: "Chiếc bánh" mô tả sự đóng góp các nguồn bức xạ vào môi trường phóng xạ tự nhiên. |
Tất cả những đồng vị phóng xạ nói trên đều phát ra những tia phóng xạ có hại cho sức khoẻ như anpha, bêta, gamma v.v…, trong đó tác động đáng kể lên cơ thể con người là tia gamma. Trong “bức tranh” trên (Hình 1) mô tả sự phân bố sự đóng góp của các nguồn tia phóng xạ (gamma) trên mặt đất: 50% từ khí phóng xạ Radon, 20% từ đất đá trong vỏ Trái đất, 12% trong nước; lương thực; thực phẩm và 18% là tia vũ trụ.
Cũng cần kể đến sự đóng góp của một phần rất nhỏ, khoảng 1%, các chất phóng xạ nhân tạo do sự phát tán bởi các vụ thử vũ khí nguyên tử trên không vào những năm 1960 của thế kỷ trước.
Lời giải về môi trường phóng xạ Hà Nội
Người Hà Nội có thể yên tâm sống suốt đời trong môi trường phóng xạ của mình hay không? Để có lời giải này, môi trường phóng xạ của Hà Nội (cũ), trên diện tích khoảng 900km2, đã được điều tra khảo sát. Công việc khảo sát được tiến hành bởi nhóm chuyên viên giàu kinh nghiệm và với tổ hợp thiết bị phân tích thuộc loại hiện đại nhất trong nước hiện nay, thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân, kéo dài trong thời gian khoảng 2 năm (2007 và 2008) theo một dự án của Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Hà Nội.
Các đối tượng phóng xạ khác nhau đã được đo đạc và xử lý bằng những phương pháp và thiết bị hạt nhân khác nhau. Điều đó cho phép so sánh đánh giá các loại số liệu và đi đến những kết luận chính xác với độ tin cậy cao.
Trước hết, là các số liệu về suất liều bức xạ gamma trên mặt đất (ở độ cao chuẩn cách mặt đất 1m) đo bằng những máy đo suất liều ALOKA, FAG-40. Đại lượng này trong hình số 2 thể hiện trên trục ngang, với đơn vị là MicroSivơ/giờ hay MicroSv/h, chỉ rõ mức độ phóng xạ cao hay thấp của môi trường.
Hình : Đồ thị phân bố suất liều gamma ở Hà Nội. |
Phân tích từ Hình 2, chúng ta thấy rằng, trong 950 điểm đo, phần lớn có suất liều nằm trong khoảng 0.05 đến 0.1 MicroSv/h. Rất ít điểm có suất liều cao hơn, và cao nhất cũng chỉ ở mức 0,19 MicroSv/h. Nhưng giá trị trung bình là 0.08 MicroSv/h.
Một kết quả phân tích khác cũng rất quan trọng là đo nồng độ hay mật độ chất phóng xạ có trong các loại đất đá ở Thủ đô. Ở đây đã sử dụng hệ đo hiện đại nhất là hệ phổ kế gamma dùng đầu dò chất Ge siêu tinh khiết. Các đồng vị phóng xạ tự nhiên, trong 140 mẫu đất nằm rải rác trên địa bàn Hà Nội, đã được phân tích là: K-40, Ac-228 và Bi-214. Nồng độ khí Radon trong nhà ở và ngoài trời cũng được khảo sát bởi máy đo hạt anpha . Sau khi xử lý, các kết quả đo, trong đơn vị đo Bq/kg, đã thể hiện trong bảng số 1 sau đây.
|
K-40 (Bq/kg) |
Th-232 (qua Ac-228) Bq/kg |
U-238 (qua Bi-214) q/kg |
Rn trong nhà Bq/m3) |
Rn ngoài trời (Bq/m3) |
Trung bình Hà Nội |
495.5 |
53.2 |
40.0 |
38.3 |
17.0 |
Độ lệch chuẩn |
267.9 |
15.2 |
9.7 |
26.8 |
9.1 |
Cực đại / max |
1179.5 |
109.0 |
72.5 |
138 |
58 |
Cực tiểu / min |
35.1 |
20.5 |
21.9 |
7.2 |
4 |
Trung bình thế giới |
420 |
45 |
30 |
25.5* |
- |
Bảng 1: So sánh các số liệu của Hà Nội và thế giới
Từ các kết quả đo ở trên, có thể đi đến những kết luận sau: i/ Ở khu vực Hà Nội không có điểm dị thường nào với độ phóng xạ quá cao. ii/ So với các số liệu của nhiều nước thì kết quả đo đạc ở Hà Nội nằm ở mức trung bình của thế giới, nói một cách chính xác chỉ nhỉnh hơn trung bình thế giới một ít.
Sự nhỉnh lên (so với giá trị trung bình trên toàn thế giới) không đáng kể này không có gì đáng áy náy, nếu biết rằng nhiều quốc gia có số liệu cao hơn trung bình 30-50%, thậm chí có những vùng như Kerala (Ấn Độ), Guarpapi (Braxin) và Yangjang (Trung Quốc) dân cư sống trong nền phông bức xạ tự nhiên rất cao, gấp 2-3 lần, hoặc như Ramsar (Iran) cao gấp hàng mấy chục lần.
Hình 3: Bản đồ suất liều gamma thành phố Hà Nội (cũ) |
Cũng nên bổ sung thêm rằng, ngoài các phương pháp nói trên, tổng hoạt độ anpha và beta trong các mẫu nước giếng khoan ở khu vực nội ngoại thành Hà Nội cũng đã được khảo sát, vì đó là những chỉ tiêu quan trọng liên quan đến sức khỏe của cộng đồng. Các kết quả đo, dù độ chính xác chưa cao, thì cũng chỉ nằm xung quanh giới hạn cho phép của tiêu chuẩn QCVN08:2008/BTNMT của Việt Nam.
Đặc biệt, với những số liệu đo đạc đã thu thập được, lần đầu tiên, một loạt bản đồ phóng xạ khác nhau của khu vực Hà Nội đã được xây dựng bằng kỹ thuật số với tỷ lệ 1:100.000, tạo điều kiện thuận lợi để cập nhật và sử dụng đối với những cơ quan nghiên cứu và mọi người trong cộng đồng có mối quan tâm. Bản đồ trên hình số 3 là một ví dụ.
Tiếp xúc với những nhà chuyên môn có công thực hiện dự án nghiên cứu khảo sát trên đây, người viết bài này nghe được điều mong ước chính đáng và tốt đẹp họ đang ấp ủ là: các cơ quan có thẩm quyền cấp Nhà nước và thành phố tạo điều kiện để các công việc điều tra khảo sát môi trường phóng xạ trên đây được triển khai tiếp tục trên toàn bộ những phần đất mới của thành phố Hà Nội mở rộng hiện nay.
Để sự bình tâm của người dân sống trên mảnh đất thủ đô yêu quý của mình, do đó, được nhân lên hơn nữa.
- Trần Thanh Minh