221
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
1248839
Chiến lược năng lượng nền kinh tế số một châu Âu (tt)
0
Article
null
Chiến lược năng lượng nền kinh tế số một châu Âu (tt)
,

- Sự đồng thuận xã hội đã đưa nước Đức đi tiên phong dưới ngọn cờ năng lượng sạch. Nhưng tiếng kèn ngập ngừng không biết sẽ đưa ngành điện hạt nhân nước này về đâu. 

Đó là cảm nhận của người viết bài này trong dịp dừng chân ở đất nước có nền công nghiệp lớn mạnh nhất châu Âu.

(Xem lại:
Vai trò nền kinh tế số một châu Âu/Phong điện: Ngọn cờ tiên phong)

Điện hạt nhân: Tiếng kèn ngập ngừng 

a/ Vẫn là một trụ cột không dễ thay thế 

Cũng như phong điện bây giờ, CHLB Đức cũng từng là một trong những nước công nghiệp phát triển đi tiên phong trong làn sóng xây dựng nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN). Làn sóng đó xuất phát từ cuộc khủng hoảng giá dầu năm 1974 trở thành mối đe dọa lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.

Từ cuối những năm 1950 của thế kỷ trước, CHLB Đức đã tự chủ phát triển công nghệ ĐHN, trước tình thế mới họ càng dốc sức tạo dựng nên một nền công nghiệp ĐHN độc lập góp phần quan trọng bảo đảm nhu cầu điện năng cho sự phát triển nền kinh tế to lớn tiến mạnh về phía trước.

Trong hơn 40 năm qua, ở CHLB Đức đã và đang tồn tại một nền công nghiệp ĐHN đồ sộ. Họ đã từng bước thải loại thế hệ các lò phản ứng đầu tiên, bao gồm lò phản ứng thử nghiệm, nhà máy mô phỏng, những nhà máy ĐHN có công suất nhỏ cùng với 5 lò phản ứng không bảo đảm an toàn ở nhờ máy Greifswald (xem bảng 1). 

Bảng1 – Danh sách 19 NMĐHN được thải loại

Mô tả ảnh.


Ngoài ra, một số lò phản ứng (4 lò VVER-440s, 1 lò VVER nhỏ, 1 lò đang xây) do Liên Xô trước đây thiết kế, nằm trên lãnh thổ Đông Đức cũ, cũng đã đóng cửa từ khi nước Đức thống nhất năm 1990. 

Dù vậy, cho đến thời điểm hiện nay, ở nước Đức vẫn tồn tại một tiềm lực điện hạt nhân hùng hậu với 17 NMĐHN công suất lớn đang ở trạng thái hoạt động (Bảng 2). Với công suất phát điện tổng cộng 21.497 MW, riêng trong năm 2007 các nhà máy đó đã đóng góp cho nhu cầu quốc gia một lượng điện lớn 149 Tỉ kWh.

Bảng 2- Danh sách NMĐHN trong trạng thái hoạt động (số liệu 1/2009) 

Mô tả ảnh.
(*): BWR – lò nước sôi, PWR: lò nước áp lực

 

Mô tả ảnh.
Nhà máy ĐHN Biblis A (Đức).


Công nghiệp điện hạt nhân, thực sự đang đóng góp ¼ nhu cầu điện năng cho quốc gia, vẫn là một trong những nguồn điện trụ cột chưa có gì thay thế được trong nền công nghiệp nước này. 

b/ Bước thăng trầm 

Cơn lốc bất ngờ bắt đầu từ hiểm họa Chernobyl năm 1986. Cùng với nhiều nước châu Âu khác như Ý, Thụy Điển, Bỉ, Phần Lan…, nền công nghiệp ĐHN nước Đức bị cuốn vào cơn lốc từ đó. 

Sự đồng thuận thời huy hoàng của nền công nghiệp nguyên tử đã dần dần phân liệt, hình thành hai cực, chống hạt nhân và ủng hộ hạt nhân. Một phía gồm Đảng Xã hội Dân chủ (SPD) liên kết với đảng nhỏ - Đảng Xanh (Green) và phía đối lập gồm các Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), các Đảng Xã hội Thiên chúa giáo Bavaria (CSU) và Đảng Dân chủ Tự do (FDP).

Mô tả ảnh.
Bản đồ phân bố các NMĐHN trên nước Đức.


Sự phân liệt đó dẫn đến vận hạn nặng nề cho ngành năng lượng nguyên tử, bắt đầu từ tháng 10/1998, khi một chính phủ liên minh được thành lập gồm Đảng lớn SPD và Đảng Xanh, một đảng nhỏ với số phiếu ủng hộ nhỏ nhoi 6,7% nhưng quyết liệt “chống hạt nhân”. Năm 2002, Chính phủ này đã thông qua được Quốc hội một điều luật loại trừ (phase-out) ĐHN với nội dung chủ yếu: cấm xây dựng các NMĐHN mới và ngừng hoạt động các nhà máy qua 32 năm vận hành. 

Nhưng rồi, ngọn gió chính trị bắt đầu đổi chiều, khi đảng đối lập CDU giành phần thắng trong cuộc bầu cử năm 2005. Nữ Thủ tướng mới, bà Angela Merkel tuyên bố sẽ đàm phán lại với các nhà công nghiệp hạt nhân về thời hạn đóng cửa các NMĐHN. Các ông chủ nhà máy ĐHN bắt đầu đề xuất kéo dài tuổi đời của các NMĐHN lên 40 năm, và theo gương nước Mỹ, thậm chí đến 60 năm. Tuy vậy, khi trong liên minh cầm quyền còn có mặt cả Đảng SPD, Chính phủ Merkel nhiệm kỳ đầu vẫn cho nằm yên điều luật “phase out”.

Mô tả ảnh.
Nữ Thủ tướng CHLB Đức "thân thiện hạt nhân", TS Vật lý Angela Merkel.


Nhưng bước vào cuộc vận động bầu cử mới, từ năm 2008, cơn sóng đòi lật lại điều luật trên lại công khai dấy lên. Vị Thủ tướng sắp mãn nhiệm nhiềm kỳ đầu, Angela Merkel, cất tiếng nói phê phán mạnh mẽ: quyết định loại bỏ các NMĐHN trước đây là "tuyệt đối sai lầm (absolutely wrong)". 

c/ Chân trời phía trước 

Hai tháng đã trôi qua kể từ khi chính trường nước Đức đổi chiều, chuyển biến theo chiều thuận cho nền công nghiệp hạt nhân với sự kiện nữ Thủ tướng Merkel tiếp tục cầm đầu Chính phủ liên bang thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa, đặc biệt liên minh cầm quyền mới gồm cả 3 đảng đều thân thiện với điện hạt nhân, Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), Đảng Xã hội Thiên chúa giáo Bavaria (CSU) và Đảng Dân chủ Tự do (FDP). 

Mô tả ảnh.
Nhà lãnh đạo Đảng FDP ủng hộ ĐHN, Bộ trưởng Y tế, người gốc Việt Nam, TS. Philipp Rösler.


Các nhà bình luận đều cho rằng sự thay đổi quan trọng nhất trong chính sách kinh tế hẳn liên quan đến vấn đề năng lượng và liên minh cầm quyền mới sẽ xem xét việc kéo dài thời gian khai thác các NMĐHN trong nước. Đó là điều họ từng tuyên bố và rất muốn làm, nhưng không thể thực hiện trong chính phủ cũ. 

Họ cũng có các căn cứ để bảo vệ cho đường lối của mình.

Một là, nguồn năng lượng tái tạo trong một hai thập niên tới chưa thể lấp vào chỗ trống thiếu hụt điện năng một khi các NMĐHN buộc phải ngừng hoạt động sớm.

Hai là, để bù vào đó, hẳn phải xây thêm các nhà máy nhiệt điện (than, khí đốt, diezen…). Nhưng như thế lại dẫn đến những hệ lụy, như phụ thuộc lớn hơn nữa đường dây cung cấp đầy bấp bênh từ nước Nga, mặt khác, không thể hạ mức phát thải khí nhà kính mà Chính phủ Đức đã long trọng cam kết và từng là người đi tiên phong trong mục tiêu cấp bách mang tính thế kỷ này. 

Ba là, về mặt đối ngoại, như Thủ tướng Merkel từng nói, nước Đức không thể tự cô lập về vấn đề hạt nhân trước các quốc gia G8, và cả với các nước xung quanh như Ý, Thụy điển, Bỉ, Phần Lan… đang từ bỏ con đường quay lưng với ĐHN trước đây của mình. 

Tuy vậy, Chính phủ mới, đến giờ phút này vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức, rõ ràng nào về chiến lược năng lượng mới liên quan đến vấn đề các NMĐHN. Trong lúc đó, họ lại đưa ra tín hiệu quan tâm phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, như tiếp tục đầu tư phát triển điện gió ở ngoài biển, hoặc rút lui ý định cắt giảm sự bảo trợ cho công nghệ điện mặt trời… 

Rõ ràng, liên minh ủng hộ ĐHN đang cầm quyền tỏ ra dè dặt trước lực lượng “chống đối hạt nhân”, đang muốn tập hợp thêm sức mạnh đồng thuận, bây giờ và trong cuộc bầu cử bổ sung trong năm tới, nhằm thực hiện thuận lợi hơn mục tiêu chiến lược hướng đất nước trở lại con đường khôn ngoan, thân thiện với công nghệ điện hạt nhân lâu dài hơn. Sự đồng thuận các đảng phái chính trị, đồng thuận xã hội là bài học thành công không chỉ  đối với ngành phong điện nước Đức.

Và như vậy, trong âm vang của tiếng kèn ngập ngừng mang tính sách lược trên chính trường nước Đức hiện nay, người bên ngoài nên biết kiên nhẫn, chờ đợi. Hy vọng của nền công nghiệp hạt nhân nước Đức và những pha gây cấn trên chính trường nước này đang ở phía trước.

  • Trần Thanh Minh (từ CHLB Đức) 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,