- Thăm nhà máy điện hạt nhân Biblis như đặt bàn tay vào chiếc “hàn thử biểu” nhạy nhất của chính sách điện hạt nhân nước Đức hiện nay.
Trong khi xu hướng điện hạt nhân (ĐHN) hâm nóng Tây Âu; Pháp vẫn đi tiên phong trên con đường đã chọn và các nước trước đây mạnh mẽ nhất trong trào lưu loại bỏ ĐHN (Thụy Điển, Phần Lan, Ý) đang quay trở lại với loại điện năng này, thì CHLB Đức vẫn đang có những bước đi dích dắc, phức tạp như sự phức tạp của nền chính trị ở đây.
Trong bối cảnh đó tôi tìm đến một nhà nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) thuộc loại lớn nhất, xây dựng vào thời kỳ sớm nhất của CHLB Đức và, do đó, cũng là chiếc “hàn thử biểu” nhạy nhất của chính sách ĐHN hiện nay của nước này. Đó là NMĐHN Biblis.
Những hình ảnh tiêu biểu, quen thuộc
Nhà máy Biblis nằm bên bờ sông Ranh (tiếng Đức: Rhein, Pháp: Rhin, Anh: Rhine), thuộc bang Hetxen (tiếng Đức: Hessen, Anh: Hesse), phía tây nam nước Đức. Hầu hết 17 nhà máy ĐHN nước Đức nằm trên lưu vực sông Ranh, một vùng đất phì nhiêu, văn hóa, khoa học và công nghệ sớm phát triển, nổi tiếng với “nền văn hóa sông Ranh”.
Trên đường cao tốc dẫn đến NMĐHN Biblis, từ xa tôi đã nhìn thấy và tranh thủ ghi vội qua cửa kính ô tô vài tấm ảnh. Sau những cánh đồng xanh mênh mông là những khối tròn màu trắng đồ sộ che chở lò phản ứng hạt nhân và những tháp làm lạnh cao vời vợi, những nét rất đặc trưng cho các nhà máy ĐHN trên thế giới.
Hình 1: NM ĐHN Biblis bên sông Ranh nhìn từ xa. Ảnh: TM |
Hình 2: Biblis B nhìn từ đường vào cổng. Ảnh: TM |
Khách đến nhà máy Biblis, trước hết bước vào ngay gian phòng triển lãm thoáng đãng, trưng bày hình ảnh, mô hình hoạt động của nhà máy. Ở đây, mọi người có thể tìm hiểu nguyên lý hoạt động của NMĐHN và những điều tổng quát khác về nhà máy Biblis.
Hoạt động của NMĐHN và nhà máy nhiệt điện (NMNĐ), về căn bản, gần như nhau, chỉ khác nhau ở nguồn nhiệt lượng cung cấp để đun sôi nước, biến nước thành hơi nhằm quay tuốc bin phát điện (xem hình 3). Trong NMNĐ, nhiệt lượng cung cấp bởi nhiên liệu than đá, dầu hoặc khí đốt. Với NMĐHN, nhiên liệu là các các vật liệu phân hạch như Uranium, Thorium hay Plutonium…
Hình 3: Sơ đồ hoạt động của NMNĐ. Ảnh: tư liệu |
Điều quan tâm nhiều nhất: an toàn…
Bên cạnh gian triển lãm là phòng hội nghị. Tôi bước vào phòng, đúng 10 giờ sáng như thư thông báo nhận được, bài thuyết trình của đại diện Tập đoàn Năng lượng RWE, cơ quan chủ quản nhà máy Biblis, cũng bắt đầu. Mọi việc chính xác “như người Đức”.
Xen kẽ bài thuyết trình là đối thoại, thảo luận giữa đại diện của nhà máy và khoảng 40 người tham dự. Nhiều người đến đây tỏ ra quan tâm đến tình hình hoạt động, đặc biệt về sự an toàn của NM ĐHN Biblis.
Sự quan tâm này là điều dĩ nhiên vì trong số 17 NM ĐHN hiện nay, nhà máy này có công suất thuộc loại lớn nhất, gồm 2 tổ máy: Biblis A với công suất 1,167 và Biblis B với 1,240 tỉ oat điện (MW). Cùng với 15 tổ máy khác trong toàn quốc, điện hạt nhân đang đóng góp phần đáng kể, gần ¼ tổng nhu cầu điện năng cả nước năm 2008 (xem hình 4, phần màu vàng).
Hình 4: Cơ cấu điện năng nước Đức 2008. Ảnh: TM |
Và đặc biệt đây là hai tổ máy cũ nhất, xây dựng từ năm 1969, đưa vào khai thác từ tháng 2/1975 (Biblis A) và từ 1/1977 (Biblis B), đến nay đã suýt soát 32 năm.
Một cử tọa nêu câu hỏi: Tại sao phải kéo dài hoạt động các lò phản ứng cũ, nếu thay thế bằng lò hiện đại liệu có lợi hơn không? Đại diện của Tập đoàn RWE trả lời: Lò phản ứng tuy cũ, nhưng đã cải tiến, nâng cấp lên gần như thế hệ II. Do đó, khả năng tự dập tắt lò khi có sự cố được tăng lên đáng kể. Lò có thể hoạt động an toàn kéo dài thêm nhiều năm nữa.
Để nhấn mạnh thêm tính an toàn của nhà máy, hay các lò phản ứng đang sử dụng, thuyết trình viên cho biết: Lò phản ứng của nhà máy được bảo vệ theo chiều sâu, bằng nhiều lớp, từ vỏ thanh nhiên liệu, vỏ lò, sự chênh lệch áp suất trong và ngoài buồng lò, đến lớp ngoài cùng là nhà lò hình cầu vững chắc, bảo đảm giảm thiểu khả năng nổ, rò rỉ chất phóng xạ ra ngoài nhà máy ở mức rất thấp, có thể xem gần như bằng không.
Điều tôi quan tâm nữa là cơ cấu nhân sự của nhà máy. Thuyết trình viên cho biết, toàn nhà máy có 680 biên chế cố định, gồm: 180 tốt nghiệp đại học, 204 thợ cả và kỹ thuật viên, 292 công nhân, 4 tạp vụ (xem hình 5). Ngoài ra, có khoảng 26 nhân viên thời vụ, 25 học nghề, và một lượng khá lớn cộng tác viên, người học việc, thực tập sinh v.v…
Hình 5: Cơ cấu nhân lực. Ảnh: TM |
Điều đáng lưu ý là NMĐHN Biblis gồm 2 tổ máy cạnh nhau, xây dựng và đưa vào vận hành lệch nhau 1 năm. Điều này đã tiết kiệm lớn về đào tạo, sử dụng nhân lực và hiệu quả khai thác.
Khách được hướng dẫn tham quan nhiều khu vực của nhà máy. Sự canh phòng cẩn mật và kỹ luật an toàn nghiêm túc. Nhân viên bảo vệ trang bị bằng súng ngắn, còn người tham quan đội mũ cứng, đi giày tốt và mang kính bảo hộ, chỉ được cấp thẻ ra vào sau khi kiểm soát kỹ lưỡng hộ chiếu hoặc chứng minh thư.
Khác với những lần tham quan NMĐHN ở Nhật và Đức hơn 10 năm trước, tôi cảm thấy rõ rệt, bây giờ, ở nhà máy Biblis này, đã bổ sung những biện pháp mới chống khủng bố. Mọi người đều được kiểm tra thân thể bằng máy dò kim loại và đi ngang qua “chú khuyển” phát hiện chất nổ. Đặc biệt, nhà máy còn trang bị thiết bị tạo khói. Trong trường hợp có khủng bố, thiết bị đó sẽ lập tức khởi động, làm cho khu vực nhà máy chìm trong khói đen, che giấu các mục tiêu cần bảo vệ.
Nơi tham quan đầu tiên là trung tâm phát điện, một gian rộng mênh mông, nhiều tầng. Mọi người lưu ý đặc biệt đến cỗ tuốc bin sơn đỏ đồ sộ, dài 65m, vận tốc quay 1.500 vòng/phút nối với bộ phát điện (generator). Gần đó là bộ phận ngưng tụ hơi nước (condensator), trạm bơm v.v….
Chúng tôi ra tận bờ sông Ranh, nơi dòng nước đang cuồn cuộn bơm vào các tháp làm nguội (cooling tower). Bốn tháp đồ sộ cao 80m và đường kính chân tháp 68m.
Dòng sông Ranh thơ mộng, yên tĩnh chảy qua khu vực nhà máy. Quanh đây không có những bãi tắm đông đúc người giữa ngày hè như cạnh một NMĐHN ở bờ biển tây nam nước Nhật mà tôi đã trông thấy, chỉ có những đồng cỏ chăn nuôi và vườn rau xanh tốt mênh mông, thanh bình.
Tôi ngắm nhìn hồi lâu hai nhà vòm hình cầu tròn trĩnh đường kính 56m, bên trong là một tấm thép khổng lồ 30mm, ngoài phủ thêm lớp bê tông dày để bảo vệ hai trái tim, hai lò phản ứng của nhà máy Biblis A và B. Tôi chợt nghĩ đến thảm họa NM ĐHN Chernobyl hơn 20 năm trước. Đáng tiếc, lò phản ứng ở Ucraine ngày đó, thuộc loại lò quá cũ với công nghệ an toàn quá thấp, lại không có nhà lò bằng thép che chắn, nên không ngăn được khối phóng xạ thoát ra ngoài môi trường khi các thanh nhiên liệu bị vỡ và trần bê tông mái bằng của nhà lò bị phá tung.
Chiếc “hàn thử biểu” của chính sách hạt nhân
Trước khi ra về, tôi hỏi kỹ những đại diện của Tập đoàn RWE về tình trạng nhà máy Biblis hiện nay. Họ cho biết, cả hai nhà máy thành viên, Biblis A và Biblis B, sau thời gian nghỉ bảo trì, bảo dưỡng, đang ở trong trạng thái tốt, sẵn sàng khởi động lại và đưa điện lên lưới, chỉ chờ lệnh của trên, “chúng tôi đã sẵn sàng”. Họ nói vậy, vẻ tự tin, dù rằng đây là 2 cỗ máy cũ nhất trong 17 cỗ máy ĐHN hiện nay của nước Đức.
Tôi cũng biết rằng, hiện nay số phận của nhà máy Biblis và ngành ĐHN Đức nói chung, đang ở thời điểm rất “nhạy cảm”.
Với nhà máy Biblis B, sau khi bảo trì bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ, do phải khắc phục thêm một hư hỏng nhỏ ở bộ cảm biến nhiệt độ, nên đáng lẽ được khởi động lại vào đầu tháng 10/2009, nay dự tính lùi đến khoảng 18-20/11/2009 sắp tới.
Riêng nhà máy Biblis A, tình hình khó khăn hơn. Sau khi ngừng 1 năm rưỡi bảo trì bảo dưỡng, Tập đoàn RWE dự định tái khởi động vào tháng 9/2009 vừa rồi, nhưng lại phải chờ đợi, vì cuộc tranh chấp pháp lý chưa kết thúc giữa Tập đoàn Năng lượng Đức RWE với chính phủ vừa kết thúc nhiệm kỳ, đặc biệt với đảng Xã hội Dân chủ (SPD) trong liên minh cầm quyền đó, liên quan một đạo luật “chống hạt nhân” từ năm 2002. Chiếu theo đạo luật 2002 này, các NMĐHN chỉ hoạt động trong 32 năm và, như vậy, nhà máy Biblis A không thể kéo dài thời hạn khai thác thêm nữa.
Hình 6: Giữa ngày thu muộn, ngành ĐHN đang ấm lên… Ảnh: TM |
Nhưng, chính lúc này đây, giữa những ngày thu muộn se lạnh, ngành công nghiệp ĐHN nước Đức đang ấm lên, đang đứng trước một thời cơ mới. Chính phủ Angela Merkel, nhiệm kỳ hai, đang bắt đầu điều hành đất nước bởi liên minh ba đảng vốn “thân thiện” với điện hạt nhân vừa thắng thế trong cuộc bầu cử toàn dân, đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU), đảng Xã hội Thiên Chúa giáo Bavaria (CDU) và đảng Dân chủ Tự do (FDP). Dĩ nhiên, những chiến sĩ của “môi trường xanh” cũng không chịu khoanh tay ngồi yên trước bàn cờ chính trị mới của nước Đức.
Trong bối cảnh trên, những thay đổi về chính sách điện hạt nhân có thể xảy ra. Chúng ta chờ xem những hy vọng của các chủ nhân NMĐHN Biblis, khởi động lại cả hai nhà máy A và B ngay trong năm 2009 này, có trở thành hiện thực hay không.
Và chờ xem ngọn gió điện hạt nhân ở nước Đức hùng mạnh nhất châu Âu này có chuyển làn hay không.
-
Trần Thanh Minh (từ CHLB Đức)