Hiện tượng nóng lên toàn cầu là do bức xạ nhiệt từ Mặt trời hay do các hoạt động địa nhiệt gây ra. Đó là những lập luận của một số nhà khoa học theo chủ nghĩa hoài nghi đưa ra tại một hội nghị nhỏ được tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch – nơi cũng đang diễn ra hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (COP-15).
Giáo sư Henrik Svensmark cho rằng hiện tượng ấm lên toàn cầu gần đây là do bức xạ nhiệt từ các hoạt động của mặt trời. - Ảnh: Reuters |
Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới đang tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch để tìm ra giải pháp cho sự ấm lên toàn cầu, thì hơn 50 nhà khoa học, doanh nhân và những nhóm vận động hành lang cũng tổ chức một hội nghị nhỏ tại Copenhagen để tranh luận về những nguyên nhân khác - bên cạnh yếu tố con người - gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu.
Mặc dù quy mô của hội nghị, được tổ chức bởi ủy ban vì một tương lai tốt đẹp (CFACT), nhỏ hơn rất nhiều so với hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Liên hợp quốc chủ trì, nhưng các nhà khoa học cho rằng những ý kiến của họ có thể làm “nóng” hơn các phiên thảo luận tại COP-15.
Giáo sư Henrik Svensmark, một nhà vật lý đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu không gian quốc gia của Đan Mạch, cho rằng hiện tượng ấm lên toàn cầu gần đây là do bức xạ nhiệt từ các hoạt động của Mặt trời. Ông cho rằng trước đây thế giới cũng đã từng trải qua thời kỳ có nhiệt độ cao như hiện nay do chu kỳ hoạt động của Mặt trời và Trái đất.
Trong khí đó, Giáo sư, Nils-Axel Morner, một nhà địa chất học tại Đại học Stockholm (Thụy Điển), cho rằng các “nhà cảnh báo khí hậu” đã phóng đại quá mức về mực nước biển dâng bằng những mô hình trên máy vi tính. Ông lập luận rằng những dữ liệu quan sát mực nước ở các hồ lớn và các bờ biển cho thấy mực nước biển vẫn rất ổn định.
Cùng chung ý kiến với đồng nghiệp người Thụy Điển, Giáo sư Cliff Ollier, một chuyên gia địa chất học khác đến từ Trường Đại học Western ở Australia, cho rằng các nhà bảo vệ môi trường đã đưa ra những nguyên nhân không chính xác về hiện tượng băng tan. Ông lý giải rằng băng tan chảy là do ảnh hưởng của các hoạt động địa nhiệt hơn là nhiệt độ trên bề mặt Trái đất.
Về phần nhà tổ chức, ông Craig Rucker, Giám đốc điều hành của CFACT, thừa nhận trong quá khứ tổ chức của ông đã từng nhận nguồn kinh phí tài trợ từ Tập đoàn Exxon Mobil, nhưng ông chỉ ra rằng rất nhiều tổ chức bảo vệ môi trường cũng đang nhận tiền tại trợ của các tập đoàn lớn trên thế giới.
-
Hà Hương (Theo Telegraph)