Pavan Sukhdev, Giám đốc điều hành thị trường toàn cầu thuộc Ngân hàng Deutsche (Đức) và là trưởng nhóm sáng kiến nền kinh tế “xanh” của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cảnh báo rằng các rạn san hô ở các đại dương trên thế giới đang bị hủy hoại nghiêm trọng do nước biển ngày càng bị axit hóa và sự ấm lên toàn cầu. Điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với các sinh vật biển và cuộc sống của con người...
Theo một thống kê mới đây, 20% rạn san hô trên thế giới đã biến mất do biến đổi khí hậu - Ảnh: AP |
Có hai vấn đề lớn do khí thải CO2 gây ra mà chúng ta đang phải đối mặt ở thời điểm hiện tại. Một trong những vấn đề đó đã rất rõ ràng: nguy cơ ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu do lượng khí thải nhà kính ngày càng gia tăng. Nhưng một vấn đề nữa chúng ta cũng đang phải đối mặt do sự gia tăng khí CO2 trong khí quyển gây ra, đó là các rạn san hô ở vùng biển nhiệt đới trên thế giới đang chết dần.
Nguyên nhân các rạn san hô đang dần biến mất là vì các đại dương ngày càng bị axit hóa do lượng khí CO2 dư thừa trong nước biển. Nồng độ axit trong nước biển cao cùng với nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng cao đã làm suy giảm khả năng sinh sản tự nhiên của các rạn san hô. Theo một thống kê mới đây, 20% rạn san hô trên thế giới đã chết, một tỷ lệ đáng báo động.
Nhưng sự suy giảm của các rạn san hô có thực là một vấn đề lớn, ngoài việc làm giảm bớt một chút thú vị của bạn trong những cuộc đi lặn tại các vùng biển Caribbean hay châu Á?
Các rạn san hô ở các vùng biển nhiệt đới là môi trường sống chủ yếu của các loài cá – một nguồn thực phẩm thiết yếu cho khoảng 500 triệu người, tương đương với 12% dân số thế giới. Sự mất dần của các rạn san hô sẽ khiến lượng cá bị suy giảm nghiêm trọng do chúng không còn nơi để sinh sản. Điều này sẽ dẫn tới sự thiếu hụt thực phẩm cung cấp cho những cư dân sống ở các đảo và các vùng ven biển. Từ đó sẽ kéo theo những cuộc di dân hàng loạt từ các vùng ven biển vào các vùng trung tâm. Làn sóng di cư kiểu này đã bắt đầu diễn ra tại Indonesia và Philippines.
Ngoài là nơi sinh sống của ¼ các loài cá, những rạn san hô nhiệt đới còn là nơi cư trú của các loài sinh vật biển khác. Do vậy, sự suy giảm của các rạn san hô có thể sẽ dẫn tới sự tuyệt chủng của một số sinh vật biển. Theo các nhà khoa học, các rạn san hô có thể biến mất hoàn toàn trong vòng 15 đến 50 năm tới.
Đây sẽ là những thách thức đối với các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Copenhagen trong việc đưa ra những mục tiêu về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nếu các nhà lãnh đạo chấp thuận với tỷ lệ khí CO2 trong bầu khí quyển ở mức 450 ppm (450/1 triệu đơn vị) như đang được đàm phán tại hội nghị Copenhagen hoặc bất kỳ mức CO2 nào cao hơn tỷ lệ 350 ppm, thì các rạn san hô chắc chắn sẽ bị biến mất trong tương lai và điều này đồng nghĩa với việc hơn 500 triệu người có nguy cơ bị thiếu thực phẩm do lượng cá bị suy giảm.
Để cứu các rạn san hô, đòi hỏi phải cắt giảm lượng khí CO2 thải vào khí quyển hơn nữa so với mức đang được thảo luận tại hội nghị Copenhagen. Chương trình giảm bớt khí thải từ việc phá rừng và sự thoái hóa (IREDD+) đã đưa ra đề nghị giảm lượng khí thải CO2 bằng cách phục hồi các khu rừng ở các quốc gia vùng nhiệt đới. Kiến nghị này cho rằng hấp thụ CO2 qua các hệ sinh thái tự nhiên là giải pháp an toàn nhất.
-
Hà Hương (Theo Telegraph)