Obama đến dự ngày cuối Hội nghị Khí hậu toàn cầu
Cập nhật lúc 17:15, Thứ Hai, 07/12/2009 (GMT+7)
Một thông báo từ Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Obama sẽ đến Hội nghị về Biến đổi Khí hậu vào ngày cuối (18/12) và đưa ra những đề xuất mới. Hội nghị này kéo dài 12 ngày với sự có mặt của trên 100 nguyên thủ quốc gia tại Copenhagen (Đan Mạch).
Tổng thống Mỹ B. Obama - Ảnh: treehugger |
Lúc đầu, ông dự kiến sẽ kết hợp với chuyến đi của ông vào ngày thứ tư trong dịp ông đến Oslo (Na Uy) để nhận giải Nobel Hòa Bình.
Các quan chức Nhà Trắng cho rằng cuộc gặp gỡ tại Đan Mạch có thể sẽ chưa đưa ra được một hiệp định quốc tế có sự ràng buộc chặt chẽ như mọi người hy vọng, mà chỉ là những ghi nhận và hứa hẹn tạm thời để năm sau sẽ triệu tập lại nhằm soạn thảo một hiệp định chính thức. Nhà Trắng cũng tin tưởng rằng đó là một thỏa thuận có nhiều ý nghĩa, trong đó các nước cùng cam kết sẽ bắt tay ngay vào việc chống lại biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Trong hai tuần qua, ba nước phát thải nhiều khí cacbonic nhất là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đều tuyên bố các mục tiêu của mình nhằm giảm thiểu sự phát thải các khí nhà kính.
Nhà Trắng cho hay, trong tuần này, ông Obama sẽ thảo luận vấn đề này với nhà lãnh đạo các nước Pháp, Anh, Australia và Đức. Nhiều nhà lãnh đạo và hoạt động môi trường ở các nước cũng đề nghị ông tham gia hội nghị như một biểu tượng của sự cam kết để bảo đảm thành công của hội nghị.
Thông cáo của Nhà Trắng còn nói rằng: “Dựa trên những cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo khác và những tiến bộ đã đạt được trong các buổi đàm phán, Tổng thống cho rằng sự có mặt của mình vào thời gian cuối của hội nghị vào ngày 18/12 sẽ đạt kết quả hơn là vào ngày 9/12”.
Thông cáo nói thêm: “Có những vấn đề nổi lên, cần phải đàm phán để đạt được một hiệp định, và quyết định này sẽ phản ảnh các cam kết của Tổng thống (Obama) làm tất cả những gì có thể làm được để đi tới những kết quả tích cực”.
Trong số những vấn đề được đề cập, cần phải có một quỹ “khởi động nhanh”, khoảng 10 tỷ đôla mà các quốc gia giàu có phải bỏ ra để hỗ trợ các nước nghèo thích nghi được với sự biến đổi khí hậu và chuyển sang những dạng năng lượng ít ô nhiễm hơn. Chưa có một hiệp định nào về phương thức kết cấu lại các quý như vậy và ai sẽ phải đóng góp bao nhiêu, nhưng quan điểm của ông Obama là chúng sẽ rất có ích.
“Mỹ sẽ đóng góp sòng phẳng phần của mình và những nước khác cũng cần phải có cam kết”, Nhà Trắng nói – “Tại Copenhagen, chúng tôi cũng sẽ đề cập đến nhu cầu về tài chính trong thời gian dài hạn để giúp đỡ các nước đang phát triển thích nghi và khắc phục những khó khăn về thiên tai”.
“Trợ giúp không chỉ là một mệnh lệnh của lòng nhân đạo, mà là một sự đầu tư vào an ninh chung của chúng ta, vì không một hiệp định về thay đổi khí hậu nào có thể thành công mà không tạo điều kiện để tất cả các nước đều giảm lượng phát khí thải của mình”, bản tuyên bố nói.
-
Tuấn Hà (Theo Nytimes.com)
,