Nguyên nhân của lão hoá da, do tuổi tác và chủ yếu do các yếu tố nội tại như gen di truyền, nhưng cũng có rất nhiều các yếu tố bên ngoài tác động và ảnh hưởng. Đó là ánh nắng mặt trời, hút thuốc lá, uống rượu bia, chế độ dinh dưỡng… làm da nhanh bị lão hoá. Vậy thuốc lá có ảnh hưởng như thế nào đến làn da của bạn?
Mối liên quan giữa người hút thuốc lá và nếp nhăn trên da, được phát hiện từ năm 1856. (Ảnh minh họa)
Mối liên quan giữa hút thuốc lá và nếp nhăn trên da đã được phát hiện ra từ năm 1856. Mặc dù thấy mối liên quan này từ lâu, nhưng các nghiên cứu về ảnh hưởng của thuốc lá trên làn da và các bệnh da thì gần đây mới được chú ý.
Một người hút thuốc lá kéo dài sẽ thể hiện rõ các "bằng chứng hút thuốc" trên làn da của mình. Đó là: "bộ mặt hút thuốc" với các biểu hiện như: mặt nhiều nếp nhăn, màu da hơi nâu - vàng hoặc vàng đỏ (tuỳ theo người châu Á hay châu Âu), da toàn thân có màu xám như tro hoặc nhợt nhạt, người gầy gò, hốc hác... biểu hiện già trước tuổi cũng là dấu hiệu của hút thuốc nhiều.
Da có thể thấy màu vàng, độ dày mỏng không đều do các sợi elastin của da bị đứt, thoái hóa. Ngoài ra còn thấy ngón tay, móng tay ngả màu vàng, răng đen, hơi thở hôi... Hút thuốc lá là thủ phạm gây ra rất nhiều biến đổi xấu cho da, ngoài ra còn gây ung thư tế bào gai ở môi, niêm mạc miệng.
Boyd nghiên cứu về ảnh hưởng của thuốc lá với các sợi elastin của da thấy hút thuốc ảnh hưởng lên sợi elastin ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, người da trắng nhiều hơn người da đen.
Các sợi elastin bị đứt, gãy tạo thành các nếp nhăn trên da, đặc biệt là da mặt. Thời gian hút thuốc và số lượng hút là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến mức độ lão hoá của da. Trong một nghiên cứu của Daniel cho thấy ở cùng nhóm tuổi và giới, những người hút thuốc trên 15 năm với số lượng hơn nửa bao thuốc mỗi ngày (trên 10 điếu) thì có nhiều nếp nhăn trên mặt hơn hẳn những người hút dưới 15 năm với dưới 10 điếu mỗi ngày.
Khuynh hướng di truyền cũng đóng một vai trò trong việc một số người nghiện thuốc lá dễ xuất hiện nếp nhăn hơn. Các mao mạch ngoài da của những người này cũng nhạy cảm hơn với các hoá chất trong thuốc lá và dễ bị phá huỷ hơn.
"Chân dung" người nghiện thuốc lá. |
Thuốc lá ảnh hưởng cả chức năng của da và hệ thống miễn dịch của da. Có hơn 1.500 chất trong thuốc lá ảnh hưởng đến rất nhiều mô, tổ chức trong cơ thể. Cũng có nhiều yếu tố, nhiều cơ chế ảnh hưởng của thuốc lên làn da. MMPs (Matrix metalloproteinases) dường như đóng vai trò truyền tín hiệu lão hoá tạo ra bởi hút thuốc lá, tương tự như cơ chế lão hoá da do ánh nắng. Lượng RNA thông tin của MMP-1 ở người hút thuốc cao hơn hẳn người không hút. MMPs làm phá huỷ collagen, ảnh hưởng tới sợi elastin, do đó thấy những người hút thuốc dù không tiếp xúc với ánh nắng vẫn thấy lớp sợi elastin dày và đứt đoạn nhiều hơn nhóm người không hút thuốc ở cùng lứa tuổi.
Hình ảnh giải phẫu bệnh ở da những người hút thuốc nhiều thấy tương tự như những người bị lão hoá da do ánh nắng. Ngoài ra còn thấy tăng MMPs ở da người hút thuốc và còn thấy nhiều sự thay đổi biến dưỡng tại chỗ cũng như hệ thống.
Thuốc lá làm giảm vitamin A và giảm độ ẩm của lớp sừng trên da mặt, sau đó hủy hoại collagen làm da bị lão hoá. Tất nhiên yếu tố di truyền cũng có vai trò bởi vì không phải tất cả mọi người hút thuốc đều có "bộ mặt hút thuốc".
Hút thuốc còn làm giảm lưu lượng máu lưu thông trong lòng mao mạch và động mạch nhỏ ở da do vậy chất dinh dưỡng và ôxy tới da cũng ít đi và tạo ra nhiều các sản phẩm chuyển hoá có hại. Hút thuốc cũng làm chậm lành vết thương do vậy những người hút thuốc đều phải ngừng thuốc nếu muốn làm phẫu thuật thẩm mỹ nhất là các phẫu thuật căng da mặt, tái tạo da mặt, bào da.
Để hạn chế lão hoá da do hút thuốc, điều quan trọng đầu tiên hiển nhiên là: BỎ THUỐC. Hiện có nhiều loại thuốc, kẹo, viên ngậm... giúp cai thuốc.
-
Theo ThS Vũ Tuấn Anh (SK-ĐS)