Các nhà khoa học sẽ hợp tác với Trường Đại học Phúc Đán, Thượng Hải (Trung Quốc) để lấy mẫu DNA của những người được cho là hậu duệ của Tào Tháo nhằm xác định xem liệu bộ hài cốt mà các nhà khảo cổ nước này vừa khai quật được tại tỉnh Hà Nam có thật là của Tào Tháo hay không.
Cửa mộ Tào Tháo và một chân dung của Tào Tháo - Ảnh: Wiktionary |
Sau khai quật ngôi mộ cổ được cho là mộ Tào Tháo, nhiều nhà khoa học đã đề nghị cần xét nghiệm DNA để làm rõ thân phận chủ nhân ngôi mộ có phải Tào Tháo hay không. Lúc này, hài cốt Tào Thực, con trai Tào Tháo trở thành lựa chọn tối ưu để làm vật đối chứng và căn cứ xác minh.
Tuy nhiên, bộ hài cốt của Tào Thực được khai quật từ năm 1951 hiện nay đã bị mất tích không rõ nguyên nhân. Vì thế, các nhà khoa học đã chọn giải pháp so sánh mẫu DNA của Tào Tháo với DNA của những người được cho là hậu duệ của vị tướng tài ba này.
Các chuyên gia về di truyền học cho biết đối với con người, một loại gien được gọi là mảng DNA ngắn (SNP) có thể truyền qua 17 đời và những gien truyền nay được truyền qua những người con trai.
Tiến sĩ Lý Hồi, người đứng đầu dự án khai quật mộ Tào Tháo, cho biết những thông tin SNP về nhiễm sắc thể Y của Tào Tháo, cũng chắc chắn tồn tại ở các nhiễm sắc thể Y các hậu duệ của ông. Tuy nhiên, việc lấy các mẫu gien từ bộ hài cốt của Tào Tháo vô cùng khó khăn và phức tạp, vì xương hầu như đã bị vỡ vụn.
Theo các nhà sử học Trung Quốc, những hậu duệ của Tào Tháo có thể là những người có họ là Hạ Hầu. Vì thế, các nhà khoa học cũng sẽ so sánh mẫu SNP của những người mang họ này ở Trung Quốc với SNP của Tào Tháo.
Ngoài ra, ông Lý Hồi cho biết họ cũng sẽ kiểm tra DNA của nhiều người có họ Tào ở Trung Quốc. Dự kiến để hoàn tất việc lấy mẫu và phân tích những mẫu DNA, các chuyên gia sẽ phải mất ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, ông không cho biết thời điểm sẽ công bố kết quả của cuộc kiểm tra này.
-
Hà Hương (Theo China Daily)