- Ngày Hà Nội vào tiết lâm thâm mưa phùn, tôi điện cho ông hẹn gặp nhưng ông bảo còn đang ở Đà Nẵng giúp dân cứu tôm, cứu cá. Qua mấy ngày nữa, thì chính ông lại điện cho tôi, giọng đầy bí ẩn: “Đến đây đi, có nhiều chuyện mới hay lắm!”…
TS. Nguyễn Văn Khải phun nước ozon cho gia cầm - Ảnh: NV cung cấp |
Căn nhà nằm phía cuối một ngõ nhỏ ở phố Định Công của vị tiến sĩ già như càng ủ rũ sau trận mưa đêm. Dưới nếp nhà ấy, một người đàn ông tóc bạc trắng, quần áo có vẻ xộc xệch đang chúi đầu vào màn hình máy tính cùng cậu học trò nhỏ bàn tán, chỉ trỏ. Nghe tiếng tôi gọi to, ông lật đật chạy ra mở cổng, hoan hỉ: “Ôi chao! Rét mướt thế này mà cũng tìm được nhà tớ à! Vào đây nào bạn trẻ!”. Tính ông là vậy. Không ưa kiểu quan cách, rào đón của mấy ông “áo cổ cồn” làm khoa học, ông cứ thực bụng mình nghĩ sao thì nói thế. Vừa ngồi chưa ấm chỗ, ông cười hóm hỉnh: “Thế nào, bây giờ thì cậu chỉ thị gì cho tớ nào!”. Tôi không trả lời, chỉ mân mê nâng chén nước trà nóng nghi ngút khói lên trước mặt. Nheo mắt một cái tinh nghịch, gương mặt đỏ ửng như vừa được tẩm trong một thứ rượu mạnh, “ông già ozon”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cười khà kể về những câu chuyện “hay lắm” của mình…
Phóng viên (PV): - Chuyến đi vào Đà Nẵng vừa rồi của ông hẳn là có nhiều điều đặc biệt?
TS. Nguyễn Văn Khải: (hào hứng)... - Ồ! Có rất nhiều là đằng khác. Lần này vào đó, tôi có đến cảng cá Thuận Phước ở bán đảo Sơn Trà và tận mắt chứng kiến nhiều thứ. Hàng ngày, có cả trăm tàu cá cập cảng rồi đổ hết phế thải, dầu mỡ thừa xuống vịnh. Trên cảng, người ta lại sơ chế thủy sản tùy tiện nên nước thải bẩn đều xả trực tiếp ra biển. Tôi có vào xem một số hộ dân làm thì thấy họ cho xả cả nước bẩn sau khi rửa thủy sản lẫn rác thải ào ào ra ngoài mương rạch, ao ngòi.
Có người làm hầm chứa nước thải nhưng được một thời gian ngắn lại phải hút phế thải lên vì thối quá không chịu được! Ở các xưởng chế biến quanh vùng, tình hình cũng tồi tệ lắm! Nhà cửa thì lụp xụp, dụng cụ lại thô sơ, công nhân làm việc tùy tiện và chẳng ai có ý thức bảo vệ môi trường cả!
Ông Ozon thử lắp bóng đèn cùng người dân - Ảnh: NV cung cấp |
Tôi thấy rằng, sản phẩm ở đây thì đa dạng nhưng việc sơ chế thủy sản đều rất tốn công sức, phí phạm nước sạch và làm môi trường ô nhiễm nặng. Nếu ta có cách nào đó tận dụng được phế thải thủy sản và tiết kiệm nước sạch, làm trong nước thải thì lượng rác bẩn đổ ra biển sẽ ít hơn rất nhiều…
PV: - Nói như vậy nghĩa là ông đã nghĩ ra cách?
TS. Nguyễn Văn Khải: - Hai ngày vào trong đó, tôi chỉ kịp tiến hành một số thử nghiệm nhỏ thôi. Tức là trước đây khi sơ chế thủy sản thì ít nhất phải rửa ba lần nước mà lần nào nước cũng đen ngòm như nhau. Con mực, con tôm lại không được tươi như lúc đánh lên. Tôi cho rửa mực bằng nước ozon thì chỉ cần một nước là con mực cứ trắng phau phau. Nước sau khi rửa mực cũng không đục và tanh như lúc trước nữa! Ưu điểm của cách làm này là lượng nước dùng rất ít, thủy sản giữ được độ tươi mà lại không làm bẩn môi trường. Nếu rửa bằng nước ozon, ngao, hến có thể sống đến 7 ngày, tôm, mực, cá thì không còn mùi tanh mà vẫn rất tươi. Cái chính là mình bày cách cho ngư dân tập sản xuất sạch và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của họ bằng việc làm thực tế chứ không phải nói lý thuyết suông.
PV: - Chứng kiến những chuyến đi khắp đất nước giúp dân của ông, nhiều người băn khoăn không hiểu vì sao “ông già ozon” vẫn luôn giữ được nhiệt huyết dù tuổi đã cao…
TS. Nguyễn Văn Khải: - Tôi chỉ nghĩ thế này, làm việc gì cũng phải có người biết xung phong đi đầu. Người đi đầu có thể phải gian khó nhưng bù lại mình được người khác yêu mến, cảm phục. Tôi cứ hay kể về chuyện một mình bơi qua sông Bến Hải để mang muối về cho tiểu đoàn. Không phải là kể công đâu nhưng tình thế lúc đó buộc phải có người dám xung phong. Không có muối mà ăn, làm sao đủ sức chiến đấu được! Năm 1973, tôi đánh trận cửa Việt, ngã xuống 13 lần, chân toạc máu phải nhờ đồng đội cầm hộ bao đạn 7kg nhưng trong đầu vẫn nghĩ mình phải tiến lên phía trước. Tôi còn nhớ lúc đó mình đã hô đến khản cổ như thế này: “Cả tiểu đoàn theo tôi binh nhất Nguyễn Văn Khải!”. Rồi gần đây, diệt dịch lở mồm, long móng cho trâu bò, chữa cúm già, đấu tranh cho học sinh được học đủ ánh sáng, làm bảng xanh không lóa… phải có ai đó đi đầu chứ! Không có người dám xung phong “đứng mũi chịu sào” thì chuyện dễ đến mấy cũng không làm được!
PV: - Nhưng không phải lúc nào người đi đầu cũng được người khác hiểu. Cảm giác của ông thế nào khi còn có nhiều người hoài nghi, chỉ trích, thậm chí dọa kiện ông?
PV: - Vậy có thể nói rằng quan niệm sống của ông là mặc kệ tất cả?
TS. Nguyễn Văn Khải: - (xua tay) Không! Hoàn toàn không! Với bản thân mình thì ai nói gì tôi cũng mặc kệ thật. Nhưng nếu là chuyện của người khác thì mình phải đấu đến cùng, phải làm cho sáng tỏ mọi thứ. Người ta vu cho nước đựng trong bình inox có chứa asen gây ung thư, tôi bảo không thể có chuyện đó. Người ta cho rằng thuốc kích thích rau siêu tăng trưởng là trò bịa tôi lại chứng minh rằng chuyện này hoàn toàn có thật. Tôi cũng sẽ không để cho kẻ gian giở trò lừa đảo và quyết sẽ vạch mặt chúng: nào là ông thầy lang chữa bệnh bằng cách nhảy lên lưng người, cô gái có tóc tự cháy, rồi người phát sáng, hay chân cầu thang nóng hơn 80 độ… Đó là lập trường của tôi trong khoa học cũng như trong cả cuộc sống hằng ngày nữa.
PV: - Trong cuộc sống, ông sợ nhất điều gì?
TS. Nguyễn Văn Khải: - Đời tôi không ưa quyền cao, chức trọng, chỉ muốn làm một nhà khoa học chân chính. Vì thế mà mình luôn tâm niệm: ăn nhiều quá chóng chết, chơi nhiều quá thì hư thân. Đã biết bao nhiêu là gia đình lục đục rồi tan vỡ vì những chuyện đó. Cho nên tốt nhất là nên tránh xa, nên biết sợ những thứ đó.
PV: - Chẳng lẽ ông không hề sợ người khác đố kị với mình sao?
TS. Nguyễn Văn Khải: - Tôi nói rồi, mọi thứ lời eo xèo về mình, tôi luôn mặc kệ. Còn quan niệm sống của tôi là: luôn mong cho hàng xóm mình giàu lên. Bởi vì họ giàu lên thì sẽ không còn ganh ghét, đố kị mình. Con cái họ cũng được ăn học đầy đủ, không sa vào cái xấu mà sẽ tham gia vào các hoạt động làm lợi cho xã hội, cho cộng đồng. Và điều đó, tất nhiên, sẽ có lợi cho mình. Cứ hình dung thế này: nếu hàng xóm của mình giàu lên, họ sẽ không đốt than tổ ong để đun nấu. Môi trường xung quanh sẽ không bị ô nhiễm, và sức khỏe bản thân mình sẽ được hưởng lợi chứ không phải ai khác. Nếu mình làm hàng xóm giàu lên thì còn đâu ra người đố kị mình nữa mà phải sợ (cười lớn!).
Ông Ozon bên rổ mực đã được "tắm" ozon trắng phau - Ảnh: NV cung cấp |
PV: - Điều khiến ông trăn trở nhất vào thời điểm hiện tại?
TS. Nguyễn Văn Khải: - Tôi chỉ có một điều duy nhất băn khoăn là bây giờ làm sao cho các cháu học sinh thích học. Sau khi dạy ở khoảng 1300 trường cho giáo viên và học sinh từ cấp 2 cho đến đại học, tôi rút ra một kết luận: hiện nay khủng hoảng về kiến thức thực tế, khủng hoảng về diễn đạt. Một hiện tượng vật lí đơn giản không ai giải thích đúng được, thậm chí có người không biết trả lời. Tôi thấy sách giáo khoa và những người biên soạn sách không hiểu được những điều cơ bản của việc dạy và học. Nhiều thí nghiệm trong sách giáo khoa phức tạp trong khi dụng cụ thí nghiệm ở các trường không phải bao giờ cũng đầy đủ đã khiến học sinh không có cơ hội thực nghiệm.
Hồi còn dạy học, tôi thường cho các em tự làm thí nghiệm trước ở nhà với những dụng cụ tự chế. Điều đó khơi gợi óc sáng tạo và trí tò mò của các em. Và vì được tự tay làm nên các em sẽ nhớ rất lâu. Một ống nứa, vài cây nến, thậm chí những chai lọ bỏ đi cũng đều dùng làm vật thí nghiệm được. Tôi quan niệm mọi thứ lí thuyết đều chỉ là màu xám. Làm cho các cháu thích học thì phải cho chúng nhiều hơn những cơ hội thực hành.
PV: - Chuyến đi ấn tượng nhất của ông suốt bao nhiêu năm vào Nam, ra Bắc?
TS. Nguyễn Văn Khải: - Đó là năm 2003 khi tôi lên tận Đồng Văn, Hà Giang để giúp bà con bảo quản ngô. Khi vừa bước chân đến huyện thì bị họ “phủ đầu” luôn: “Thôi các ông về đi, con sâu ăn hết ngô còn đâu nữa mà lên!”. Thoạt đầu tôi cũng lo lắm. Mới chân ướt, chân ráo đến mà đã bị đuổi thì còn làm thí nghiệm này nọ gì được nữa! Sau đó tôi nghỉ lại nhà một người quen và có cơ hội làm thí nghiệm bảo quản hạt ngô bằng nước ozon trước mặt bà con ở đây. Tôi cho ngô bị sâu mọt vào hai chậu nước, một là nước ozon, một là nước thường. Sau khoảng mươi phút, sâu mọt ở chậu nước ozon nổi đen đặc mặt nước trong khi ở chậu nước thường số lượng là không đáng kể. Sau đó, bà con rắc hạt cho gà thì nhận thấy gà chỉ nhằm những con sâu bò lổm ngổm mà mổ ăn chứ không ăn cả ngô như bình thường. Trước đây, người ta thường hay dùng một loại thuốc bảo quản của Trung Quốc có hình “đầu lâu xương chéo” để trừ sâu bọ. Bà con bảo dùng thấy rất hiệu nghiệm, sâu bò ra và chết nhiều lắm! Tôi bảo: “Thuốc đó giết được con sâu nhưng cũng đồng thời giết luôn cả bà con đấy!”. Mấy tháng sau, thấy bà con bảo rằng dùng cách này sâu mọt ít hơn hẳn, ngô để lâu cũng không sợ hư. Tính ra, có thể bảo quản 1 tạ ngô chỉ bằng 1 lít nước ozon có giá 100 đồng.
PV: - Thời gian tới, hẳn là ông có nhiều dự định?
TS. Nguyễn Văn Khải: - Trong năm 2010 này, tôi đặt công việc làm sạch không khí là mục tiêu lớn lao nhất. Ở Việt Nam hiện nay, không khí vô cùng ô nhiễm. Năm 2009, xử lí rác thải được đưa ra thảo luận ở nhiều nơi nhưng vấn đề làm trong sạch bầu khí thở thì không hề được nói đến vì chúng ta không có khả năng thực hiện. Bên cạnh đó, là việc xử lí nước sạch dùng cho sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi, xử lí đất nhiễm độc chiến tranh bằng các biện pháp tự nhiên. Tôi cũng sẽ tiếp tục đấu tranh để tất cả trường học đều có nhà vệ sinh đạt chuẩn, học sinh học trong ánh sáng tiện nghi, có sách giáo khoa tốt và dụng cụ thí nghiệm hợp lí. Tôi tự hào rằng mình sẽ đi và làm được những việc ấy và bất kì nơi nào tôi qua cũng có những người tình nguyện xung phong làm vì nhận thức được lợi ích. Sẽ không ai ngăn cản được tôi vì tôi giúp dân nghèo bằng chính sức lực của mình.
PV: - Chúc những kế hoạch của ông sớm thành hiện thực và phát huy được giá trị của mình! Xin cảm ơn ông!
… Câu chuyện vừa dứt, chuông đồng hồ điểm 12 giờ trưa. Ông tiễn tôi ra tận cửa ngoài, gọi với theo: “Khi nào rỗi rãi lại qua nhà chơi nhé!”. Tôi cười toe: “Vâng ạ! Chắc chắn rồi!”. Chắc chắn rồi, hẹn gặp lại “ông già ozon”!
-
Minh Phương (Thực hiện)