Salmonella là vi khuẩn sống trong ruột của người và động vật. Chúng gây bệnh salmonella – được biết là bệnh viêm ruột và dạ dày. Người mắc bệnh này thường bị buồn nôn, ói mửa và tiêu chảy. Những trường hợp nặng có thể gây tử vong.
TIN LIÊN QUAN
- Ngộ độc thực phẩm: Nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ
- Ăn uống ngày tết: Ngộ độc và giải độc
- Lợi dụng vi khuẩn để chế tạo nhiên liệu từ khí CO2
Vi khuẩn salmonella còn có thể gây bệnh sốt thương hàn (typhoid fever) khi một số vi khuẩn salmonella không bị tiêu diệt bởi hệ miễn dịch bình thường của cơ thể. Các salmonella còn sống sót sẽ tăng trưởng trong lá lách, gan và các bộ phận cơ thể khác và có thể nhiễm vào máu gây bệnh vi khuẩn huyết (bacteremia). Salmonella có thể lọt từ gan vào túi mật, tiếp tục sinh sống trong túi mật và được thải theo phân ra ngoài. Các triệu chứng gồm có sốt cao, đổ mồ hôi, viêm dạ dày - ruột, tiêu chảy.
Bệnh salmonella truyền sang người do ăn phải đồ ăn nhiễm vi khuẩn salmonella. Vi khuẩn salmonella có ở khắp mọi nơi và có thể nhiễm vào bất cứ loại thức ăn nào, nhưng thông thường nhất là trứng tươi, sản phẩm từ trứng, sữa, rau quả tươi, ngũ cốc và nước... Sự lây truyền bệnh có thể xảy ra do phân người hay phân súc vật tiếp cận với thực phẩm trong quá trình thu hoạch hay chế biến.
Các loại thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật và một số loại rau quả có thể chứa vi khuẩn salmonella. Hình trên là salmonella đang tấn công các tế bào ở người.
Thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật như thịt gia súc, gia cầm, sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng, hải sản, và các loại rau quả đều có thể chứa vi khuẩn salmonella. Để phòng bệnh, các loại thức ăn trên nên được rửa sạch, nấu chín, hoặc tiệt trùng trước khi ăn.
Việc nấu chín kỹ thức ăn có thể tiêu diệt vi khuẩn salmonella. Đối với rau quả, rửa sạch trước khi ăn luôn là việc cần thiết, tuy nhiên điều này không giúp loại bỏ vi khuẩn hoàn toàn, đặc biệt là trong thời gian có dịch. Vì vậy, lời khuyên là hãy vứt bỏ các thức ăn mà bạn nghi ngờ đã nhiễm khuẩn, và hết sức thận trọng trong ăn uống trong thời gian đang có dịch.
Một số lời khuyên khi sử dụng thực phẩm để không bị nhiễm bệnh:
- Rửa tay bằng nước ấm và xà phòng trước và sau khi sơ chế, chế biến thức ăn.
- Thức ăn nên được rửa thật kỹ dưới vòi nước chảy. Không nên rửa trong chậu hoặc bồn rửa.
- Các dụng cụ nhà bếp phải sạch sẽ trước khi được sử dụng. Không để thực phẩm chín lẫn lộn với thực phẩm sống.
Ngoài thực phẩm, vi khuẩn salmonella còn có thể lây lan qua các vật nuôi trong nhà.
Các vật nuôi trong nhà như rùa, rắn và một số loài bò sát khác, gà và các loại chim cũng có thể mang vi khuẩn salmonella trong đường ruột của chúng, do đó các chất bài tiết của chúng là nguồn lây nhiễm tiềm tàng. Vì vậy, cần thiết phải rửa tay bằng xà phòng và nước ấm thật kỹ sau khi chơi với chúng hoặc vệ sinh chuồng trại của chúng.
Gà con là vật truyền nhiễm khá nguy hiểm của loại vi khuẩn này. Vì vậy, trẻ em dưới 5 tuổi không nên chơi với gà hoặc vịt.
Triệu chứng thường gặp và cách điều trị
Triệu chứng thông thường của bệnh nhiễm khuẩn salmonella là đau bụng, tiêu chảy, và sốt. Việc chữa trị ngộ độc thức ăn hay viêm ruột, dạ dày chưa được thống nhất. Có bác sĩ đề nghị không dùng trụ sinh nhưng lại có bác sĩ cho bệnh nhân uống trụ sinh ciprofloxacin trong 10-14 ngày. Các bệnh nhân mất khả năng miễn dịch (như bị bệnh AIDS) hay đang trị ung thư bằng hoá trị liệu bắt buộc phải uống trụ sinh.
Thông thường, hầu hết mọi người đều tự hồi phục sau từ 4-7 ngày với chỉ một biện pháp điều trị duy nhất là uống nhiều nước. Những trường hợp tiêu chảy nặng hơn có thể cần phải truyền nước. Bệnh có thể gây tử vong ở trẻ em, người già hoặc người có hệ miễn dịch yếu.
-
Đỗ Quyên (Theo Medicinenet)