- Rắn và côn trùng cắn luôn là nguyên nhân gây ngộ độc hàng đầu; ngộ độc tân dược và rượu tăng vọt trong 5 năm qua; thuốc trừ sâu gây tử vong cao nhất… là những kết luận đáng chú ý về các tác nhân gây ngộ độc.
TIN LIÊN QUAN
Thuốc diệt cỏ Paraquat trong chai nhựa có màu xanh
Những kết luận này được rút ra từ báo cáo về những ca ngộ độc tại BV Chợ Rẫy trong hội thảo “Điều trị ngộ độc” do bệnh viện này phối hợp tổ chức cùng Trung tâm Chống độc Quốc gia Đài Loan (TTCDDL) vừa qua.
Báo cáo đã đưa ra những con số thống kê giúp đánh giá cụ thể hơn về các tác nhân gây ngộ độc trong xã hội hiện đại.
Theo báo cáo của BV Chợ Rẫy, 9 tác nhân gây ngộ độc bao gồm:
- Rắn và côn trùng cắn
- Tân dược, kháng lao
- Thuốc trừ sâu
- Rượu
- Khí, hóa chất
- Thuốc an thần, thuốc ngủ
- Thức ăn
- Thuốc giảm đau, hạ sốt
- Heroin
Xếp thứ ba trong các tác nhân gây ngộ độc với 403 trong tổng số 2503 ca trong năm 2009, nhưng thuốc trừ sâu là “sát thủ” hàng đầu với 86 trên 168 trường hợp tử vong. Ngộ độc thuốc trừ sâu phospho hữu cơ và thuốc diệt cỏ Paraquat được PGS.TS Chen-Chang Yan thuộc TTCDDL báo cáo tại hội thảo.
Paraquat là thuốc diệt cỏ cực độc, mặc dù tai nạn nghề nghiệp trong lúc sử dụng ít gây tử vong do thuốc đã được pha loãng nhưng nếu uống trực tiếp thì cơ hội sống sót của nạn nhân là rất thấp. Hiện tại, chưa có thuốc đối kháng đặc hiệu, chỉ có thể cứu sống nếu tích cực cấp cứu ngay sau khi dùng thuốc, “thời gian vàng” là 6h đầu và tiếp tục chạy chữa trong 24h.
Trong những tác nhân nói trên, ngộ độc tân dược và rượu có sự tăng vọt đáng chú ý. Từ năm 2002 đến năm 2009, số ca ngộ độc tân dược tăng gấp 7 lần, từ 71 lên 511 ca; ngộ độc rượu cũng tăng lên 5 lần từ 52 lên 260 ca.
Sự gia tăng đột biến của hai nhóm tác nhân tân dược và rượu bắt đầu từ năm 2008. Điều này không chỉ cảnh báo về ý thức tiêu dùng của chúng ta mà còn nhấn mạnh thực trạng sản xuất tân dược giả, rượu giả trên thị trường hiện nay.
Những cuộc chè chén khiến ta quên mất những tác hại do ngộ độc rượu |
Việc say sưa quá chén vẫn là điều chúng ta hay gặp, tuy nhiên ngoài những biểu hiện như mất kiểm soát, mất thăng bằng, nôn ói v.v… còn có thể bị những biến chứng nguy hiểm như chấn thương sọ não do va đập, viêm phổi do lạnh hay sặc chất nôn. Ngộ độc nặng có thể dẫn đến suy hô hấp, ngừng thở. Ngoài những biểu hiện ngộ độc cấp tính nói trên, sử dụng rượu thường xuyên dẫn đến ngộ độc mãn tính.
Rắn cắn gây ra nhiều ca ngộ độc vùng nông thôn |
Thống kê các ca ngộ độc ở BV Chợ Rẫy cũng cho thấy rắn và côn trùng cắn luôn là nguyên nhân hàng đầu với 912 ca năm 2009. Ngược lại, chỉ có 43 ca ngộ độc heroin nhưng đã có 10 ca chết người.
-
Chi Giao
Xử lí khi bị ngộ độc rượu - Tuyệt đối không uống rượu khi đói. (SK&ĐS)
- Khi say rượu, tìm cách gây nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má. Cho uống một cốc sữa nóng, trà đặc.
- Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa).
- Tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái.
- Nếu có biểu hiện co giật, thở không đều, ngã chảy máu tai, mắt, loạn nhịp tim phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.