Làm thế nào để đi chân trần trên mảnh thủy tinh vỡ mà không bị thương?
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đây là 1 trong những khả năng kỳ lạ của con người? |
Bạn đã từng quan sát một ảo thuật gia hay một nghệ sĩ biểu diễn trò đi chân trần qua những mảnh thủy tinh bén nhọn và thật sự có ấn tượng.
Nếu nhìn gần và kỹ hơn, bạn còn có thể thấy chân của họ thật sự đạp lên những mảnh thủy tinh có mép nhọn lởm chởm. Thậm chí bạn còn nghe cả tiếng thủy tinh vỡ lạo xạo dưới chân người ấy. Đây là một trò thật sự nguy hiểm, và những nghệ sĩ tuyên bố rằng để làm được trò này cần có sự tập trung cao độ hay thậm chí là nhờ sự can thiệp thần bí nào đó.
Thật ra có nhiều mánh khóe để tự bạn cũng có thể biểu diễn trò này mà không bị thương. Bạn có thể dùng một loại thủy tinh “giả” được làm từ đường có thể dễ dàng bị đập vỡ để thay thế cho thủy tinh thật. Khi bạn thấy một diễn viên đập một cái chai vào đầu người khác thì cái chai đó thường được làm bằng loại thủy tinh “giả” này. Cạnh của các mảnh vỡ vẫn có thể bén nhưng bản thân thủy tinh làm bằng đường không đủ cứng để xuyên thủng lòng bàn chân. Tuy nhiên, vài loại thủy tinh “giả” có thể trở nên dính lép nhép trong lúc đang biểu diễn và phá hỏng màn ảo thuật của bạn.
Một cách khác để bảo vệ chân mà không cần dùng thủy tinh giả là dán một miếng chất dẻo vào lòng bàn chân. Một lựa chọn khác nữa là dùng các sản phẩm làm chai cứng da để làm da bàn chân bạn chắc chắn và ít nhạy cảm hơn.
Tuy nhiên, những nhà ảo thuật nhiều kinh nghiệm thì không cần tới những mánh khóe trên. Mặc dù họ vẫn có khả năng bị thương, nhưng với một ít kiến thức vật lý và kinh nghiệm thực tập sau đây thì họ hoàn toàn có thể bước đi trên kính vỡ mà không hề hấn gì:
- Dùng mảnh vở của vỏ chai rượu vang hoặc champagne. Không giống các mảnh vỡ ở phần cổ chai hay ly thủy tinh, gờ của những mảnh vỡ từ chai rượu thường có độ uốn cong nhẹ và không có các cạnh bén lởm chởm.
- Lớp thủy tinh phải tương đối dày. Khi bước chân xuống, các mảnh vỡ sẽ ép nhau dịch chuyển và những cạnh bén sẽ không có cơ hội tiếp xúc với chân. Một số nhà biểu diễn còn độn một lớp vật liệu mềm phía dưới lớp thủy tinh để các mảnh vở dễ dịch chuyển hơn.
- Những người biểu diễn trò này thường bước những bước rất chậm để nếu cảm thấy có mảnh nhọn bén dưới chân thì có thể nhích chân điều chỉnh. Họ bước chậm còn để cho các mảnh thủy tinh có đủ thời gian dịch chuyển và “lắng xuống”, do đó họ sẽ có ít nguy cơ bị đâm thủng chân hơn.
Bạn đã từng vô tình giẫm phải mảnh thủy tinh vỡ trên sàn và bị thương. Nhưng mặt sàn nhà bếp và mặt sàn trong trò biểu diễn trên khác nhau hoàn toàn.
Trong trò biểu diễn, trọng lượng cơ thể bạn được chia đều cho rất nhiều mảnh thủy tinh nhỏ, và các mảnh này còn có không gian để dịch chuyển. Còn lúc bạn giẫm phải một mảnh thủy tinh trên nền nhà, toàn bộ trọng lượng cơ thể chỉ tập trung trên một điểm nhỏ, hơn nữa, mảnh thủy tinh này cắt đứt chân bạn là do có ma sát do chân bạn di chuyển trượt trên cạnh sắc của nó. Ngược lại, trong trò biểu diễn, nhất thiết bạn phải đặt chân theo chiều thẳng từ trên xuống chứ không được trượt qua bề mặt các mảnh vỡ.
Mặc dù có nhiều mánh khóe hỗ trợ nhưng trò này vẫn rất nguy hiểm, vì thế đừng cố biểu diễn ở nhà khi chưa thật sự hiểu rõ nó.
-
Đỗ Quyên (Theo HSW)