Những vệt sét sáng lóa đánh xuống ngọn núi lửa Eyjafjallajökull không đến từ một cơn giông bình thường mà do những phần tử mang điện trong tro núi lửa. Những đám mây tro đã làm xáo trộn lưu thông trên không ở châu Âu trong gần một tuần liền.
TIN LIÊN QUAN
Tác giả của những bức ảnh Peter Vancoillie đã chụp được những tấm ảnh ở cách chỗ ông khoảng 30km.
Martin Uman, chuyên gia sét tại ĐH Florida ở Gainesville cho rằng những luồng sét không giống giông bão thông thường. Giọt nước, băng, mưa đá tương tác với các phần tử mang điện trong tro núi lửa và tạo ra cảnh tượng ngoạn mục và “rất giật gân” như Uman bình luận
Bức ảnh về tia sét tím xé dọc bầu trời do nhà khoa học kiêm nhiếp ảnh gia người Ý Marco Fulle chụp.
Martin Uman cho biết nhiều tia sét phát sinh bởi núi lửa Iceland thường là tia lửa dài. Trong số chúng bao gồm một loại sét mới cũng được phát hiện gần đây trên bầu trời núi lửa Alaska.
Hiện vẫn chưa rõ cách thức hình thành những tia sét này nhưng theo suy đoán của Steve McNutt thuộc Đài quan sát núi lửa Alaska, tia sét xảy ra khi những hạt silica – một thành phần của mắc-ma – được tích điện và tác động với khí quyển khi nó nổ tung khỏi vỏ địa chất.
Dung nham bốc lửa hòa trộn với tro xanh và những tia sét vàng rực trên núi lửa phun trào Eyjafjallajökull vào ngày 18/04/2010.
Martin Uman cho biết sét của núi lửa Iceland có thể tạo ra một bản giao hưởng âm thanh khác biệt. Những tia sét ngắn tạo ra âm thanh như tiếng súng trường trong khi những tia dài hằng km thì tạo ra âm thanh sâu và ì ầm quen thuộc như trong các cơn giông.
Tia sét tại núi lửa Eyjafjallajökull chia nhánh thành nhiều hướng – một hiện tượng thú vị, theo nhà khoa học Uman. Ông giải thích, mọi tia sét đều có một hướng: bắt đầu từ điểm tích điện và truyền lên, xuống hay mọi hướng cho đến khi nó đạt đến vùng tích điện âm.
Cảnh tượng dung nham phun bắn lên cùng với những tia sét trên núi lửa Eyjafjallajökull do Oli Haukur Myrdal chụp lại.
Martin Uman cho biết tất cả những loại sét vẫn còn là bí ẩn đối với các nhà khoa học. Mọi người không thể đi vào vùng giông bão để biết chính xác sét hình thành như thế nào. Tuy nhiên, các nhà khoa học có thể lắp đặt thiết bị đo lường dữ liệu như nam châm từ trường ở gần núi lửa và họ đang làm điều đó ở núi lửa Iceland.
Tia sét đâm xuyên đám mây tro do núi lửa phun trào trong bức ảnh của Oliver Vanderginste.
Những hạt cát thủy tinh và bụi trong mây tro có thể gây kích ứng mắt, mũi và cổ họng khi hít phải, vì vậy các chuyên gia khuyên người dân châu Âu ở trong nhà khi tro bắt đầu phủ xuống. Những phần tử nhỏ hơn có thể đi sâu vào trong phổi gây ra những vấn đề về hô hấp, đặc biệt với người bị hen suyễn.
Tuy nhiên Uman cũng nói rằng nếu mọi người có thể chứng kiến sét núi lửa một cách an toàn thì đó sẽ là một trong những trải nghiệm khó quên nhất – duy nhất trong đời.
Hiện tượng sét núi lửa cũng xảy ra khi núi lửa Chile phun trào vào tháng 5/2008 sau 9.000 ngọn núi này ngủ yên. Một cảnh tượng hoành tráng với những tia sét sáng lóe vây phủ cột tro đen ngòm bốc lên từ miệng núi lửa.
-
Chi Giao (tổng hợp)