Nhiều người nghĩ trò nuốt gươm là một mánh khóe ảo thuật. Chấp nhận nghĩ rằng đó chỉ là một trò ảo giác nào đó còn dễ hơn nghĩ rằng một người lại có thể đưa cả cây kiếm dài cả mét từ miệng vào đến bao tử.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Có phải đây chỉ là một mánh khóe ảo thuật?
Có người cho rằng trước khi biểu diễn, nghệ sỹ đã nuốt sẵn bao kiếm vào trong bụng. Thậm chí từ điển bách khoa trực tuyến Encyclopedia Britannica còn tái khẳng định giả thuyết trên rằng đây chỉ là một mánh khóe ảo thuật; rằng người trình diễn đã nuốt một ống bằng kim loại khoảng 45-50cm trước khi biểu diễn.
Thật sự có 1 mánh khóe trong trò này, nhưng nó không liên quan gì đến ảo giác hay việc nuốt trước một bao kiếm mà đó là một sự tập luyện về mặt thể chất và tâm lý rất công phu. Việc học để nuốt được một thanh kiếm có thể mất nhiều năm trời.
Nuốt kiếm là một quá trình tương tác giữa 2 vật thể về cơ bản không có nét gì tương đồng – tuyến tiêu hóa trên (TTHT) của người và thanh gươm. TTHT là một chuỗi những cơ quan nội tạng liên kết với nhau, bao gồm cổ họng, yết hầu, thực quản và dạ dày. Tuyến này tương đối mềm và có những chỗ uốn cong.
Trái lại, một thanh gươm là một vật vô tri giác và cứng nhắc. Mặc dù đôi khi nghệ sỹ cũng nuốt cả gươm có lưỡi lượn sóng nhưng đa phần họ dùng gươm thẳng.
Bạn có thể hình dung TTHT giống như một vỏ bao sống để thanh gươm chui vào, tuy nhiên việc đút gươm vào một cái bao bình thường không gây tử vong, trong khi việc nuốt gươm thì rất có thể. Gươm dùng biểu diễn không có lưỡi bén nhưng nó vẫn hoàn toàn có thể đâm thủng hoặc cắt đứt các cơ quan của TTHT.
Khi nghệ sĩ biểu diễn nuốt nhiều thanh gươm, các lưỡi gươm này sẽ trượt lên nhau tương tự như cái kéo, và khi điều này xảy ra, bề mặt của TTHT có thể bị cắt đứt.
Để hiểu rõ hơn về thuật nuốt gươm, trước hết ta tìm hiểu sơ qua TTHT – đoạn đường mà thanh gươm đi qua.
TTHT được cấu tạo từ 2 loại cơ – cơ vân và cơ trơn – và một lớp màng nhầy (hay còn gọi là niêm mạc). Quá trình co giãn của cơ vân được kích hoạt bởi các xung thần kinh từ các nơron vận động gửi tới cơ, dưới quá trình tự điều khiển; ví dụ lúc ta nói chuyện, chớp mắt hay di chuyển thì cơ vân tham gia hoạt động. Hoạt động của cơ trơn thì “vô thức” hơn, chẳng hạn như sự giãn nở mạch máu, hay co bóp đẩy thức ăn trong quá trình tiêu hóa là do sự vận động của cơ trơn.
Tuyến tiêu hóa trên và một thanh gươm có chiều dài tương ứng. |
Các bộ phận được cấu tạo từ cơ vân của TTHT bao gồm miệng, yết hầu và phần trên của thực quản, chỗ nối cổ họng và dạ dày. Đây là những bộ phận mà cơ thể có ý thức điều khiển được. Khi bạn nuốt, bạn có ý thức dùng lưỡi đẩy thức ăn về phía họng, thanh quản lúc này sẽ dịch chuyển lên, một loại cơ thắt ở phía trên thực quản sẽ nới lỏng ra, cho phép thức ăn trôi vào thực quản. Sau đó nắp thanh quản sẽ đóng khí quản lại không cho thức ăn lọt vào phổi.
Toàn bộ quá trình sau đó của TTHT là “vô thức”, bạn không điều khiển được. Khi viên thức ăn vào đến phần thực quản cấu tạo bằng cơ trơn, quá trình nhu động tự động bắt đầu. Một cơ thắt ngay phía trên viên thức ăn sẽ xoắn lại, đẩy nó xuống dạ dày.
Vậy quá trình nuốt thức ăn và nuốt kiếm có giống nhau?
Cái gì có thể nuốt được Một vài nghệ sĩ còn nuốt những vật thon dài khác ngoài kiếm như dùi trống, kìm y tế… nhưng việc nuốt một quả bong bóng dài lại là một mánh khóe gây ảo giác.
Khi nghệ sĩ nuốt 1 thanh gươm, nó cũng phải đi qua con đường tương tự như thức ăn đã đi, nhưng quá trình hoạt động của các cơ quan thì hoàn toàn khác hẳn. Nếu như việc nuốt thức ăn đòi hỏi sự tham gia của một số cơ thì nuốt kiếm, ngược lại, đòi hỏi TTHT phải hoàn toàn thả lỏng. Quá trình nuốt kiếm diễn ra như sau:
- Đầu tiên, nghệ sĩ hất đầu ra phía sau, căng cổ sao cho miệng và thực quản thẳng hàng, đồng thời căng thẳng yết hầu.
- Tiếp theo, ông ta điều khiển lưỡi di chuyển ra phía ngoài và thả lỏng cổ họng hoàn toàn.
- Ông sắp gươm thẳng hàng với TTHT và bắt đầu từ từ đưa nó vào trong miệng, qua yết hầu, qua cơ thắt của phần trên thực quản và sau đó là vào thực quản. Nước bọt sẽ bôi trơn thanh gươm, nhưng có khi ông cũng dùng thêm dầu thực vật hoặc thạch.
- Trên đường đi xuống, thanh gươm sẽ gò thẳng những chỗ cong của thực quản. Nó di chuyển qua một số cơ quan nội tạng, và đẩy chúng sang một bên.
Thanh gươm đi qua 2 cơ thắt và gò thẳng TTHT. |
Đôi khi thanh gươm đi qua cả cơ thắt dưới thực quản và vào dạ dày. Khoảng cách từ răng đến phần trên của dạ dày nối với thực quản là khoảng 40cm. Hiệp hội Nghệ sĩ nuốt kiếm Quốc tế định nghĩa một nghệ sĩ nuốt kiếm là người có thể nuốt một thanh kiếm dài 38cm; và chiều dài tối đa của thanh kiếm được hiệp hội này khuyên dùng là 61cm (với chiều dài này này đầu kiếm sẽ nằm hoàn toàn trong dạ dày).
Các bước trên có vẻ dễ thực hiện, nhưng đây là một kỹ thuật vô cùng khó và phải mất rất lâu để có thể thành thạo.
Quá trình nuốt một thanh kiếm đòi hỏi nhiều yếu tố hơn việc xếp mọi thứ thẳng hàng và để trọng lực làm nốt việc còn lại. Để thành công, bạn phải học cách thả lỏng các cơ nằm ngoài sự điều khiển của bạn (cơ trơn). Các cơ này bao gồm 2 cơ thắt trên và dưới của thực quản, và các cơ điều khiển nhu động của thực quản.
Bạn cũng phải luyện tập sao cho màn trình diễn trông có vẻ rất trơn tru. Nếu đã từng nuốt một miệng đầy thức ăn chưa nhai kỹ, bạn sẽ biết thực quản nhạy cảm như thế nào. Người biểu diễn nuốt kiếm phải học cách đưa cả 1 thanh gươm dài lạnh cứng xuyên suốt quãng đường dài mà không được biểu lộ cảm giác khó chịu.
Hơn nữa, cơ thể chúng ta có một cơ chế phản xạ tự vệ có chức năng là không cho phép bất cứ vật gì ngoại trừ thức ăn đã được nhai và nuốt đi vào cổ họng. Ví dụ khi bạn vô tình chạm bàn chải đánh răng vào cuống họng, bạn đã kích hoạt chức năng này, và ngay lập tức bạn có phản xạ nôn để dội vật lạ ra ngoài.
Một người nuốt kiếm thành công là người có thể khống chế được phản xạ tự vệ này của cơ thể.
Ngoài ra, khi nuốt, thanh gươm đi qua một số cơ quan quan trọng như tim, phổi, và động mạch chủ, nên nếu chẳng may để xảy ra sơ suất thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Nghệ sĩ nuốt kiếm còn có nhiều nguy cơ về sức khỏe khác như đau họng, đau ngực (do thực quản và cơ hoành bị thương), chảy máu nội tạng, thủng thực quản, viêm màng phổi, viêm màng ngoài tim.
Chụp X-quang một nghệ sĩ nuốt gươm. |
Đây hoàn toàn không phải là trò biểu diễn bạn có thể tự tập ở nhà mà không có sự hướng dẫn của một chuyên gia giàu kinh nghiệm.
-
Đỗ Quyên (Theo HSW)