- Tôi đã ao ước có thể tử hình cây thuốc lá với niềm tin to lớn rằng chỉ có như thế những ống khói di động quanh tôi mới có thể tiệt nguồn.
“Tử hình” cây thuốc lá có oan không?
"Thuốc lá là sản phẩm duy nhất khi được sử dụng, một cách có chủ ý, dẫn đến cái chết." (Patrick Reynolds) Song kẻ dị ứng khói thuốc lại thấy mình hình như đã vội vàng xử oan cây thuốc lá. Trên trang web Khoa học & Công nghệ địa phương của Bộ Khoa học & Công nghệ có bài “Trồng cây thuốc lá sợi vàng: Cơ hội giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo” xuất bản ngày 12/5/2010 đưa tin:
"Tại thôn Nậm Mòn Thượng, xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai: Trung bình mỗi ha sẽ cho thu nhập khoảng 70 - 80 triệu đồng. Trừ chi phí người dân sẽ thu về được khoảng 50 triệu đồng/ha mỗi vụ.
Ông Vàng Văn Sính (thôn Nậm Mòn Thượng) vui mừng nói: “Nhà tôi trồng hơn 6.000 mét vuông cây thuốc lá. Mới mấy tháng chăm sóc mà cây lớn nhanh, tươi tốt, cao ngang ngực, lá dài trên mét, được mùa rồi! Vừa rồi được anh Thắng hướng dẫn thu hoạch đợt 1 và sấy khô lá thuốc, sắp tới thu hoạch nốt để công ty lên thu mua gom, với giá cả như vậy gia đình phấn khởi lắm vì vụ này trừ chi phí đầu tư trả hỗ trợ ban đầu cho công ty gia đình thu lãi hơn 25 triệu đồng, giá trị kinh tế gấp 4- 5 lần trồng ngô, lúa”.
Ông Hoàng Đức Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng - Ảnh: N.A |
Tôi vội hỏi ông Hoàng Đức Nguyên - Chủ tịch một huyện vùng cao tại Cao Bằng có cây thuốc lá là một trong những loại cây công nghiệp chính. Ông kể rành rọt câu chuyện về cây thuốc lá huyện nhà mà ông nắm vững trong lòng bàn tay.
Ở huyện Trùng Khánh năm 2009 trồng được 143 ha thuốc lá, năm 2010 đã lên tới 431 ha. Thuốc lá là cây công nghiệp ngắn ngày với hai vụ Thu và Xuân mỗi năm. Ông than thở rằng năm nay thuốc lá mất giá. Nếu năm ngoái 40.000 đồng/kg thuốc lá sấy loại I thì năm nay chỉ còn 25.000-30.000 đồng/kg. Theo quy hoạch của Chính phủ, Cao Bằng trồng 3.000 ha thuốc lá trên địa bàn các huyện, chủ yếu là Hòa An, Hà Quảng, Trùng Khánh.
Tôi thắc mắc về thu nhập của người trồng cây thuốc lá có đúng là cao như vậy không, ông xác nhận, đúng là người dân sẽ thu được khoảng 50 triệu/ha/vụ, bởi mỗi ha sẽ thu được 1,6 -2 tấn lá thuốc lá sấy với giá khoảng 30.000 đồng/kg, gấp khoảng 4 lần trồng ngô lúa. Giờ đây cây thuốc lá cho lợi nhuận rất lớn không cây trồng nào so sánh được.
Mỗi người trung bình sẽ hút khoảng 5kg thuốc lá mỗi năm (tương đương với 5.000 điếu thuốc rê, người hút nhiều sẽ hút từ 20-40 điếu mỗi ngày), nghĩa là họ chỉ cần bỏ ra 150.000 đồng (chưa đủ để mua một hộp sữa bột loại nhỏ cho trẻ em) là đã có thuốc lá hút cả năm rồi, một cái giá quá rẻ.
Nếu cứ “tử hình” cây thuốc lá thì sẽ thế nào?
Trước câu hỏi, nếu bây giờ có lệnh bỏ hết cây thuốc lá đi thì ông sẽ làm thế nào? Ông Nguyên cười: "Nếu Nhà nước bảo bỏ thì phải bỏ thôi. Lúc đó ta sẽ tìm cách nâng cao năng suất ngô lúa, trồng cây đặc sản hoặc tìm một số cây trồng mới để thay thế như đỗ tương chẳng hạn".
Những cảnh báo về tác hại của thuốc lá: gây ra ung thư phổi, trụy tim, lão hóa da, ảnh hưởng tới con trẻ, chết trẻ, một cái chết từ từ và đau đớn,… - Ảnh: PA |
Thế là tôi đem câu chuyện về những giải pháp loại bỏ cây thuốc lá ra thăm dò những “ống khói di động” quanh tôi. Ai ngờ họ cũng luận bàn vô cùng sôi nổi.
Một nhà thơ - trí thức nổi tiếng, có thâm niên hút thuốc lá lâu nhất, đang hút với tần suất dày đặc nhất nhưng đồng thời cũng là người đau khổ nhất vì chuyện không bỏ nổi thuốc lá nói: “Phải quy hoạch và thu hẹp dần dần vùng trồng thuốc lá về những nơi xa hẻo lánh, sau đó chuyển đổi dần dần cơ cấu cây trồng. Nhưng như thế chưa đủ, phải có đồng bộ về chính sách: đánh thuế thuốc lá cao, chống nhập khẩu thuốc lá, kêu gọi sự liên minh toàn cầu về chống tác hại thuốc lá".
Họa sĩ A Sáng của báo Văn nghệ Trẻ đã hút thuốc lá được 20 năm hào hứng tiếp lời: “Tại sao không coi cây thuốc lá như cây anh túc? Xưa kia ở quê tôi, cây anh túc trồng bạt ngàn còn hơn cây thuốc lá bây giờ. Nhưng rồi có chính sách phải bỏ, thế là phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, rồi mọi chuyện cũng đâu vào đấy”. Rồi anh khoát tay nói bằng giọng khê nồng: “Nếu bắt nông dân bỏ cây thuốc lá tôi đoán cũng phải mất 5 năm mới được chứ đừng sốc quá, và nhất định là phải có sự giúp sức của quốc tế”.
Hóa ra những người nghiện thuốc lá nhất cũng hết lòng ủng hộ một thế giới không khói thuốc lá đó chứ! Họ rầu rầu đồng tình với tâm sự của anh Hoàng Dương – một cán bộ người dân tộc Cao Lan đang làm việc ở Bảo Việt Cao Bằng: “Cũng muốn bỏ lắm, nhưng giá thuốc lá ở ta còn rẻ nhất thế giới như thế này, đã trót mê rồi thì nếu không cấm nghiêm như cấm thuốc phiện hoặc đánh thuế mỗi bao thuốc giá cả cây vàng đi thì chẳng bỏ nổi, cứ xem Pháp thống kê đấy, cứ tăng 10% giá thuốc lá sẽ có 4% dân ghiền bỏ thuốc”.
Câu chuyện lại đến tai anh Việt Hải - một MC truyền hình đồng thời là biên tập viên nhà xuất bản Kim Đồng. Anh này không hút thuốc (đúng ra là cũng từng tập tọng hút vài điếu khi còn là học sinh nhưng thấy không có gì hấp dẫn nên thôi). Anh bảo: “Khó lắm, vì cây thuốc lá là nguồn thu rất lớn. Nếu bỏ nó đi thì phải tìm được cây trồng nào thu lợi tương đương. Lại còn công ăn việc làm nữa, phải suy tính rất kỹ mới được”.
Phải cân nhắc về việc xóa sổ cây thuốc lá, những người trẻ còn rất nhiều băn khoăn - (Ảnh hàng dưới từ trái qua: A Sáng, Đàm Ngân, Việt Hải) |
Lúc này thì chị Đàm Ngân - nguyên là Phó Giám đốc dự án hỗ trợ phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh Cao Bằng, master Các vấn đề quốc tế từ Đại học Clumbia (Hoa Kỳ) lên tiếng: “Trừ bỏ cây thuốc lá không phải ở chỗ người nông dân vì người nông dân mình rất là thuần tính, những cái khác khó khăn hơn, đòi hỏi hy sinh nhiều hơn như hiến đất, tái định cư,… họ còn làm được, thì người có đất trồng được cây thuốc lá là đất rất tốt, họ cũng chẳng nghèo, thì hoàn toàn có thể trồng cây khác nuôi con khác… Vấn đề chúng ta đang phải đối mặt là với cả một ngành công nghiệp thuốc lá. Vì lợi nhuận từ thuốc lá rất lớn, các ông trùm sẽ can thiệp bằng mọi giá có thể để tránh được nguy cơ mất đi nguồn nguyên liệu đẻ ra tiền cho họ”.
Xem ra câu chuyện vẫn còn rất dài. Nhưng có điều mừng là tất cả những người tôi gặp - mà tôi tạm gọi là một bồi thẩm đoàn - đều “phê chuẩn” và ủng hộ bản án có vẻ nghiêm khắc mà tôi đã giả định đặt ra. Bởi nếu so với những tác hại mà khói thuốc lá đem lại cho sức khỏe cộng đồng thì sự hi sinh ấy là đích đáng.
Gánh nặng của thuốc lá: - Sử dụng thuốc lá đang tăng lên tại Việt Nam; - Hút thuốc lá giết chết một nửa những người hút thuốc trong cả đời và một nửa những người này chết ở lứa tuổi từ 30 đến 69; - Mỗi năm, gần 40.000 người Việt Nam chết do nguyên nhân từ thuốc lá; - Trên toàn cầu, mỗi ngày có 14.000 người chết do nguyên nhân từ thuốc lá; - Thuốc lá làm tăng chi phí xã hội bao gồm chi phí chăm sóc y tế, chi phí do giảm năng suất lao động, hỏa hoạn do thuốc lá và các chi phí liên quan khác. (Nguồn: ACS Global) |
-
Nhuệ Anh