Khói, bụi là tác nhân mang vi khuẩn, virus, nấm mốc vào cơ thể người. Người hít phải khói, bụi dễ mắc các bệnh đường ruột, hô hấp, tim mạch, thần kinh...
TIN LIÊN QUAN
Vì vậy, mức độ ô nhiễm môi trường tỷ lệ thuận với nguy cơ, số lượng mắc bệnh tật ở người. Người bị nhiễm bụi có thể bị viêm nhiễm đường hô hấp trên như: Viêm họng, viêm mũi, rồi bội nhiễm dẫn đến viêm xoang, viêm phổi...
Người hít phải khói, bụi dễ mắc các bệnh đường ruột, hô hấp, tim mạch, thần kinh... Ảnh: Đức Toàn
Ngoài xâm nhập đường hô hấp, bụi còn văng vào mắt gây xốn, cộm, khó chịu, thậm chí bị trầy xước giác mạc nếu bụi có góc cạnh. Bụi đường còn gây ô nhiễm thực phẩm ở các hàng quán ven đường, cơ sở thức ăn đường phố, gánh hàng rong... nếu không được bảo quản tốt. Trong bụi có lẫn nhiều loại mầm bệnh có thể gây hại cho đường tiêu hóa như: Bệnh tiêu chảy cấp, tả, kiết lỵ, thương hàn, giun sán...
Khói xe gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhất là tác động lên hệ hô hấp, tim mạch và thần kinh. Trong thành phần khói xe có nhiều CO2, CO, chì và nhiều hóa chất độc hại khác...
Người tham gia giao thông nên đeo khẩu trang, kính để phòng tránh bệnh hô hấp... Ảnh: Đức Toàn
Để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm môi trường do giao thông gây ra, ở nhiều nước trên thế giới đã tăng cường trồng cây xanh trong thành phố để che mát và tăng hấp thu khí CO2, đồng thời thải ra O2 giúp môi trường trong lành hơn.
Nhiều biện pháp khác giúp giảm thiểu bụi được thực thi ở nước ta và nhiều nước trên thế giới như: Xe chở vật liệu xây dựng phải được bao che kỹ để tránh rơi vãi trên đường; định kỳ vệ sinh mặt đường bằng xe phun nước, xe hút bụi; kiểm định khí thải các loại xe; giảm thiểu ùn tắc giao thông...
Để phòng các bệnh do khói, bụi gây ra, người tham gia giao thông nên thực hiện một số biện pháp tự bảo vệ như: Đeo khẩu trang, kính, nón bảo hiểm... Để phòng các bệnh đường ruột do ô nhiễm môi trường gây nên, người tiêu dùng nên chọn lựa hàng quán đảm bảo vệ sinh, thức ăn được che, chắn tốt.
Theo BS Phạm Văn Chính (GĐ&XH)