Trong buổi họp báo ngày 17/05, Sở Văn Vật tỉnh Hà Nam, nơi tìm được lăng mộ Tào Tháo hồi cuối năm ngoái đã công bố một phát hiện khảo cổ mới, ngôi mộ táng của con nuôi Tào Tháo, danh tướng thời Tam Quốc, Tào Hưu.
TIN LIÊN QUAN
Ảnh toàn cảnh mộ táng Tào Hưu. Ảnh: Cri. |
Theo thông tin từ báo chí Trung Quốc, vào tháng 4 năm ngoái, khi khoan thăm dò khảo cổ, các chuyên gia đã phát hiện một ngôi mộ táng quy mô lớn. Vào 21/5/2009, các nhà khảo cổ bắt đầu tiến hành khai quật ngôi mộ.
Ngôi mộ mới được phát hiện này nằm ở phía Đông Nam thôn Tạp Lý Phô, huyện Mạnh Tân, thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, thuộc quần thể lăng mộ núi Bắc Mang, Lạc Dương. Cho đến cuối tháng 4 năm nay, giai đoạn khai quật đã cơ bản hoàn tất.
Ngôi mộ là loại mộ có mộ đạo dốc, vòm gạch cuốn và chia làm nhiều gian khác nhau. Toàn bộ chiều dài ngôi mộ lên đến 50,6 m, chiều rộng nam bắc lên tới 21,1 m, sâu 10,5 m. Trong đó đường đi trong mộ dài tới 35 m, rộng 9 m. Theo các chuyên gia, có rất nhiều dấu hiệu chứng tỏ mộ đạo nhiều lần bị đào lên để tiến hành hợp táng.
Hầu hết các gian mộ đều phát hiện được các mảnh xương tản mác. Ở các gian trước và gian bên, người ta phát hiện ra hai bộ xương, một nam, một nữ. Ngoài ra ở một gian khác các nhà khoa học cũng phát hiện ra dấu vết của xương. Theo phán đoán sơ bộ, ngôi mộ này có thể là hợp táng của 3 người.
Chiếc ấn đồng khắc hai chữ "Tào Hưu" theo thể chữ Triện. Ảnh: Cri.
Về chủ nhân của ngôi mộ, các nhà khoa học đã tìm thấy một ấn bằng đồng, trên có khắc hai chữ “Tào Hưu” theo thể chữ Triện. Đây là bằng chứng rõ ràng nhất khẳng định về chủ nhân của ngôi mộ.
Theo ghi chép của sử sách, Tào Hưu, tự là Văn Liệt, cháu họ Tào Tháo (con anh em cùng họ). Tào Hưu được Tào Tháo nhận làm con nuôi và đối đãi như con đẻ. Tào Hưu từng theo Tào Tháo chinh phạt nhiều nơi, làm đến chức quan Đại Tư Mã (tương đương với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay).
Tào Hưu sinh năm nào không rõ, nhưng theo sử sách thì Tào Hưu mất năm 228 tại Lạc Dương. Đó là thời điểm 8 năm sau khi Tào Tháo qua đời và là 2 năm sau khi Tào Phi qua đời.
Theo các chuyên gia khảo cổ, niên đại khảo cổ học của những di vật khai quật được cũng như quy cách thiết kế mộ táng hoàn toàn phù hợp với thân phận của Tào Hưu. Do đó, có thể xác định chắc chắn đây là một táng của một danh tướng thời Tam Quốc, người họ hàng với Tào Tháo.
Cảnh khai quật ngôi mộ (trái) và những di vật được tìm thấy trong mộ (phải). Ảnh: Cri. |
Cũng theo các chuyên gia khảo cổ Trung Quốc thì những ngôi mộ táng thời Ngụy Tấn như mộ Tào Hưu là khá hiếm. Hơn nữa ngôi mộ của Tào Hưu cũng là ngôi mộ quý tộc thời Ngụy Tấn đầu tiên được phát hiện có ghi chép rất rõ năm tháng cũng như chủ nhân ngôi mộ. Đây có thể coi là ngôi mộ tiêu chuẩn cho mộ táng thời Ngụy Tấn.
So với ngôi mộ Tào Tháo được khai quật trước đây ở thôn Tây Cao Huyệt, An Dương được cho là xây dựng theo quy cách thời kỳ cuối Đông Hán, ngôi mộ của Tào Hưu lại được xây dựng theo quy cách thời kỳ đầu Ngụy Tấn.
Tuy nhiên, ở cả hai ngôi mộ này đều có mộ đạo theo hướng đông, khác với mộ đạo theo hướng nam thường thấy. Vì vậy, các chuyên gia khảo cổ cho rằng, việc phát hiện ra mộ táng của Tào Hưu sẽ giúp ích rất nhiều cho việc xác minh ngôi mộ Tào Tháo được tìm thấy vào năm ngoái.
-
Lê Văn (Theo Cri)