Trong một thí nghiệm gần đây, các nhà khoa học đã sử dụng ADN từ những hóa thạch của loài voi ma mút bị tuyệt chủng để tái tạo thành công mẫu máu của loài động vật khổng lồ này.
TIN LIÊN QUAN
Các nhà khoa học đã tạo ra được mẫu máu giống hệt với máu của loài voi ma mút. Ảnh: Daily Mail. |
Từ những mẫu máu tái tạo này, các nhà khoa học có thể biết được làm cách nào mà voi ma mút có thể sống sót được trong điều kiện thời tiết giá lạnh cách đây khoảng 25.000 năm mà máu trong cơ thể chúng không hề bị đông.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu hy vọng một ngày nào đó công nghệ mô phỏng gen cũng có thể được sử dụng trong việc phục hồi lại những bộ phận trên cơ thể và máu của những động vật đã biến mất khỏi trái đất cách đây hàng nghìn năm.
Tiến sĩ Kevin Campbell, thuộc trường đại học Manitoba của Canada, người đứng đầu nghiên cứu này, nói: “Nhưng phân tử ADN hoàn toàn không biến đổi qua nhiều thế kỷ. Vì thế chúng ta có thể tạo ra những mẫu máu giống với máu của một con voi ma mút thực sự”.
Để tạo ra những mẫu máu, các nhà khoa học sử dụng ADN được lấy từ các hoá thạch của voi ma mút bị đóng băng tại vùng Siberi cách đây 43.000 năm. Đồng thời các nhà khoa học kết hợp với những thông tin gien của những con voi châu Á, loài được cho là con cháu của loài voi ma mút.
Sau đó các nhà khoa học đã sử dụng những mẫu máu mô phỏng của voi ma mút để thử nghiệm với điều kiện lạnh giá. Kết quả cho thấy rằng những mẫu máu được tạo ra có thể vận chuyển ôxy tới các cơ quan của cơ thể trong điều kiện nhiệt độ rất thấp.
Các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng “máu chống đông” của voi ma mút chỉ có sau khi tổ tiên của chúng di chuyển từ vùng nhiệt đới châu Phi trong thời kỳ Băng Hà.
Tuy nhiên, việc tạo ra các mẫu máu mô phỏng của voi ma mút không có nghĩa là các nhà khoa học có thể làm sống lại loài vật khổng lồ này.
-
Hương Hương (Theo Daily Mail)