Bạn đã bao giờ được chứng kiến một nam cực quang từ vũ trụ hay hình ảnh tuyệt mỹ từ kính thiên văn vũ trụ về một ngôi sao đang ở "tuổi dậy thì"? Tất cả những điều kỳ thú ấy đều có trong những bức ảnh vũ trụ ấn tượng nhất của tuần này.
TIN LIÊN QUAN
Ngọn lửa từ mặt trời
Trong bức ảnh được Vệ tinh quan sát mặt trời (SDO) chụp vào tháng 5 này, sau khi mặt trời phun lửa, các hạt plasma sáng chói bao phủ kín bề mặt mặt trời. Vùng màu đen trong bức ảnh cho thấy, khi mặt trời phun lửa, những vật chất ở điểm đó đều bị cuốn sạch.
Sự hình thành của một ngôi sao
Trong vũ trụ, một số ít màu sắc cũng có thể dự báo những hoạt động rất lớn. Trong bức ảnh được kính viễn vọng thiên văn Hubble chụp được này, nguồn năng lượng kinh người được tạo ra từ các vụ nổ trong quá trình hình thành một ngôi sao đã khoác cho tinh vân N11 (còn gọi là “Tinh vân hạt đậu") một chiếc áo màu tím pha hồng phấn.
Là một trong những khu vực có quá trình hình thành sao mạnh mẽ nhất ở gần Trái đất, tinh vân N11 là một bộ phận của mạng lưới phức tạp được tạo thành bởi khí mây và các chòm sao, thuộc thiên hà Large Magellanic Cloud, thiên hà hàng xóm của chúng ta.
Các nhà khoa học đã quan sát được 3 lần liên tiếp hình thành ngôi sao ở tinh vân N11 và các ngôi sao được hình thành có khoảng cách ngày càng xa trung tâm của tinh vân này.
Nam cực quang nhìn từ vũ trụ
Ngay cả với những nhà du hành vũ trụ đây cũng là một cảnh tượng cực kỳ hiếm thấy: Nam Cực quang uốn lượn ngoằn ngoèo như một con rắn trên bầu trời vùng biển nam Ấn Độ Dương.
Cực quang là kết quả của sự va chạm giữa cac hạt mang điện từ mặt trời với tầng cao của khí quyển Trái đất khiến cho các nguyên tử oxy và nitơ có được năng lượng và tiếp sau đó chúng phóng ra dưới dạng ánh sáng.
"Người khổng lồ” mờ sương
Trong bức ảnh được chụp bởi tàu vũ trụ Cassini này, hai vệ tinh của sao Thổ tạo nên một sự tương phản rất rõ nét.
Ở vị trí nổi bật, hình ảnh rõ nét của vệ tinh Dione đã hiển thị địa hình với các dải mỏng mà kỳ thực nó là các hệ thống các thung lũng giao nhau.
Ở phía sau Dione là hình ảnh khá mơ hồ của vệ tinh Titan với khu vực bắc cực bị che phủ bởi sương mù. Vệ tinh Titan cũng là vệ tinh duy nhất có hệ khí quyển hoàn thiện từng được biết đến.
Phi thuyền mặt trời tung cánh
Trong bức "chân dung tự họa" này, chiếc camera đặt trên phi thuyền Ikaros của Nhật Bản vừa tách ra khỏi tàu chủ và chụp được bức ảnh đầu tiên của phi thuyền sử dụng những cánh buồm năng lượng mặt trời này.
Phi thuyền Ikaros được phóng lên vũ trụ vào 21/5. Đây là thiết bị thăm dò vũ trụ đầu tiên trên thế giới sử dụng động lực tổng hợp.
Một phần, chiếc phi thuyền sẽ được đẩy đi bằng áp lực áp suất tạo ra nhờ thay đổi hướng tác động của các phân tử ánh sáng mặt trời lên các cánh buồm. Ngoài ra, chiếc thuyền còn được trang bị một hệ thống pin mặt trời để sử dụng nguồn năng lượng mặt trời truyền thống.
Mặc dù chiều dài của cánh buồm sau khi đã căng hết ra chỉ vào khoảng 14 met, tuy nhiên, theo tính toán nó sẽ giúp cho Ikaros bay với vận tốc cao nhất là 100 m/s.
Lắp ráp phi thuyền Orion
Tại Cơ xưởng lắp ráp Michoud của NASA đặt tại ngoại ô thành phố New Orleans, một công nhân sử dụng một kỹ thuật gọi là hàn ma sát xoay (Friction Stir Welding) để gắn phần khoang với phần chóp phi thuyền Orion. Sau khi đã được hàn một cách hoàn hảo, phi thuyền Orion sẽ được đưa vào thử nghiệm trong một môi trường y như thật.
Phi thuyền Orion vốn được chế tạo cho kế hoạch Constellation, nhằm đưa con người đi lại từ Trái đất lên mặt Trăng và cuối cùng là xây dựng một cơ sở ở đây. Tuy nhiên, sau khi kế hoạch này bị hủy bỏ vào đầu năm 2010, Tổng thống Mỹ B. Obama đã yêu cầu chỉ sử dụng Orion như một công cụ cứu hộ cho các phi hành gia trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS).
-
Lê Văn (Theo National Geographic)