Bức ảnh tàu Hayabusa bùng cháy như pháo hoa trên nền trời đen thẳm được NASA ghi lại là một trong năm bức ảnh vũ trụ đẹp mà NatGeo muốn gửi đến độc giả.
TIN LIÊN QUAN |
---|
1. Điệu vũ xoay tròn của những vì sao (ảnh của Đài quan sát Calar Alto)
Cách Trái đất 37 triệu năm ánh sáng, Thiên hà Xoáy nước va vào một thiên hà lùn nhỏ bé nằm bên trái nó; Thiên hà đồng hành này có tên là NGC 5195. Những ảnh hưởng lớn từ vụ va chạm hình thành những cánh tay xoắn đặc biệt với những vì sao như trong tấm hình mới công bố của Trung tâm thiên văn Đức – Tây Ban Nha ở Calar Alto, Tây Ban Nha.
Không thiếu những hình ảnh từng được chụp về Thiên hà Xoáy nước (hay Messier 51) nhưng bức ảnh mới tập trung thể hiện sắc hồng nổi bật của hydro. Khí hydro bị ion hóa sinh ra khi luồng khí xung đột của hai Thiên hà bùng nổ thành những ngôi sao mới.
2. Tàu vũ trụ Hayabusa bùng cháy trên không (ảnh của NASA)
Giống như pháo hoa lấp lánh, phần lớn thân tàu vũ trụ của Nhật Hayabusa đã bị nghiền nát khi nó rơi vụt vào khí quyển Trái đất vào ngày 13.6.
Ẩn giấu bên trong cơn mưa lấp lánh này là một khoang đổ bộ chịu nhiệt có độ dài 40 cm, nó có thể chứa những mẫu đất đá quý giá từ một hành tinh nhỏ. Những mẫu vật này có thể giúp chúng ta hiểu về cách thức hình thành của hành tinh và Hệ Mặt trời.
3. Chiếc boomerang giữa vũ trụ (ảnh của NASA/ESA)
Kính thiên văn Hubbe cần mẫn nghiên cứu vũ trụ cả những lúc rảnh - khi nó không được dùng cho những nghiên cứu đã được lên kế hoạch. Trong một phiên ảnh chụp nhanh như thế này, Hubbe đã ghi lại hình ảnh một tinh vân ít được biết đến là IRAS 05437 2505 với đám mây hình cung giống boomerang lạ lẫm của nó.
Lần đầu được phát hiện vào năm 1983, đám mây khí mong manh này vẫn còn nhiều bí ẩn. Các nhà khoa học cho biết hình cung boomerang sáng rực của đám mây có thể được tạo ra do một ngôi sao trẻ bắn xuyên qua đám mây bụi với tốc độ 200.000km/h.
4. Những lớp khí quyển nhiều màu (ảnh của NASA)
Nếu bạn là một nhà du hành vũ trụ ở Trạm không gian quốc tế vào tháng vừa rồi, bạn hẳn phải thường xuyên nhìn qua cửa sổ để quan sát cảnh tượng khí quyển Trái đất trải ra như một đồng bằng vào ban ngày.
Từ trên xuống là lớp màu xanh thẫm của tầng khí quyển cao – tầng khí quyển tạo nên màu xanh cho bầu trời khi nhìn từ mặt đất. Kế đến là lớp màu vàng chanh của tầng bình lưu cách mặt đất 50km – một nơi khô hạn và hầu như không có đám mây nào có thể hình thành ở độ cao này.
Màu cam bí ngô rực rỡ thuộc về tầng đối lưu – nơi giữ hầu hết hơi nước của Trái đất. Sự đa dạng trong màu sắc, như những vệt tối bên phải là do những đám mây hoặc những phân tử bị bốc lên. Ở tầm 6 – 20km phía trên bề mặt Trái đất, tầng đối lưu cũng chiếm 80% khối lượng của khí quyển hành tinh.
Và ở đâu đó sâu bên dưới là Ấn Độ Dương.
5. Những cơn gió khuấy động (ảnh của ESA)
Những cơn gió xoáy được gọi là von Kármán được quan sát ở phía nam quần đảo Canary, ngoài khơi Tây bắc châu Phi.
Những cơn gió xoáy, một dạng mây nhìn rất đặc biết được hình thành khi những luồng không khí xoay quanh một vật trở ngại – trong trường hợp này chính là quần đảo Canary.
- Chi Giao (Theo NatGeo)