Những địa điểm có thể tìm thấy sự sống ngoài Trái đất.
TIN LIÊN QUAN
Mặt trăng Enceladus
Vào năm 2005, khi tàu con thoi Cassini bay ngang qua một trong những mạch phun khí và băng của mặt trăng sao Thổ Enceladus, nó đã phát hiện carbon, hydro, nito và oxy - mọi thành phần tiên quyết hỗ trợ cho sự phát triển của các dạng sống. Tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng xác thực về sự sống nơi đây.
Những dạng sống tìm thấy ở những nơi không có ánh mặt trời như lỗ thông nhiệt đáy biển hay ở băng đá Bắc cực đã cho các nhà khoa học một hy vọng về khả năng sinh tồn của các loài vi khuẩn tương tự ở Enceladus.
Exoplanet - Những hành tinh ngoài hệ mặt trời
Exoplanet là hành tinh nằm ngoài hệ mặt trời và nó xoay quanh một ngôi sao khác chứ không phải mặt trời của chúng ta. Chúng ta chỉ khám phá những thế giới bên ngoài này từ thập kỉ qua (exoplanet đầu tiên được phát hiện vào năm 1999 là HD209458) và cứ mỗi năm, rất nhiều exoplanet được phát hiện, chúng chứa nhiều hợp chất hữu cơ. HD209458b là một ví dụ, nó được phát hiện có nước, metan, CO2 trong khí quyển - những thành tố của sự sống.
Tinh vân Orion
Tinh vân - "Những vườn ươm tinh tú" trong dải Ngân Hà gần đây được đánh giá như một "mỏ vàng" của sự sống.
Vào tháng 5/2010, Đài thiên văn Herschel của Cơ quan vũ trụ châu Âu tuyên bố rằng tinh vân Orion, nằm cách Trái đất khoảng 1.500 năm ánh sáng có dấu hiệu của những hợp chất hữu cơ chứa đựng sự sống.
Thông qua những dữ liệu được thu thập bởi kính thiên văn Herschel, những nhà thiên văn có thể phát hiện một mẫu trong số nhánh đa dạng các phân tử hỗ trợ sự sống: nước, carbon monoxide, formaldehyde, methanol, dimethyl ether, hydrogen cyanide, sulfur oxide và sulfur dioxide.
Những ngôi sao đỏ khổng lồ đang chết
Vào năm 2005, một nhóm các nhà thiên văn quốc tế đã khám phá những ngôi sao đỏ khổng lồ đang diệt vong có thể hoạt động giống như một nguồn nhiệt và giúp những hành tinh chết đầy băng giá sống lại. Các nhà khoa học tin rằng sự hồi sinh này có thể dẫn đến những cơ hội phát triển sự sống mới.
Tại sao Trái đất quá thuận lợi để phát triển sự sống? Câu trả lời ngắn gọn nhất là do vị trí. Chúng ta ở một vị trí "đắc địa" so với mặt trời để có thể tồn tại. Nếu quá gần, nước của hành tinh sẽ bốc hơi còn nếu quá xa thì Trái đất sẽ là một khối băng lạnh giá.
Ngay trước khi một ngôi sao tiêu vong là giai đoạn nó bùng nổ thành một vùng đỏ khổng lồ, nhanh chóng nở rộng về kích thước và độ sáng; những bức xạ ánh sáng trong giai đoạn này có thể làm nóng hành tinh được phóng đi xa và rộng khắp. Nếu những bức xạ này đến được các mặt trăng băng giá hay các exoplanet thì lớp băng bao phủ bên ngoài các thiên thể này sẽ tan chảy thành chất lỏng và tạo điều kiện cho các dạng sống hình thành.
Tinh vân Mắt mèo trong bức ảnh của kính thiên văn Hubble là một ví dụ về quầng đỏ khổng lồ của một ngôi sao đang bùng nổ.
Những vùng bí ẩn của vũ trụ
Vũ trụ là một không gian bao la không thể tưởng tượng nổi và chứa đầy những vật chất: những hành tinh, những ngôi sao, những tinh vân, khí, bụi. Và một điều chắc chắn, con người không thể khám phá toàn bộ vũ trụ. Vì thế, sự sống ngoài Trái đất có thể tồn tại ở một nơi nào đó trong vũ trụ mà ta không thể tìm ra.
Cũng có suy nghĩ cho rằng: Có phải chúng ta đang đặt việc nghiên cứu sự sống vào một một chiếc hộp quá gọn gàng, ngăn nắp? Và có nên chỉ tìm kiếm sự sống giống với Trái đất?
Chúng ta đều biết rằng sự sống phải hình thành từ các amino acid, ADN và cần nước để tồn tại. Nhưng nhà vật lý thiên văn Stephen Hawking đưa ra thuyết rằng sự sống có thể tồn tại ở bên ngoài kia theo cách mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi: sự sống không được đặt nền tảng bằng carbon. Nếu trường hợp này xảy ra, có khi nào chúng ta đã tìm ra "sự sống" nhưng lại bỏ qua nó chỉ vì những điều chúng ta mặc định trong đầu.
Dù sao đi nữa, cuộc đua tìm kiếm sự sống bên ngoài Trái đất vẫn tiếp diễn. Và nếu người ngoài hành tinh được phát hiện, bạn hãy hi vọng rằng họ là những người bạn thân thiện!
-
Chi Giao (Theo Discovery)