Đưa tay bật đèn, điều khiển TV, lấy chìa khoá mở cửa… tất cả những việc đó sẽ trở thành quá khứ khi công nghệ giao diện máy tính-não (brain-computer interface, viết tắt BCI) đang thử nghiệm tại châu Âu cho phép người tiêu dùng thực hiện mọi việc hoàn toàn nhờ vào sự suy nghĩ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Công nghệ này đã được trình diễn tại CeBIT ở Hannover vào tháng Ba cung cấp một phương cách mới để điều khiển các thiết bị điện tử kết nối với nhau chỉ thông qua sự suy nghĩ trong đầu óc của “chủ nhà”. Công nghệ ấy là cơ sở để thiết kế các ngôi nhà thông minh trong tương lai, giúp những người tàn tật chủ động trong cuộc sống của mình.
Giao diện “bộ não – máy tính” đã giải phóng những khả năng mới của con người như dùng ý nghĩ để đánh máy chẳng hạn. |
“Công nghệ BCI giúp ta bật đèn, chuyển kênh chiếc vô tuyến, mở đóng cửa bằng một động tác cực kỳ đơn giản: chỉ cần nghĩ về điều mình cần làm là đủ”. ÔngChristoph Guger, Tổng giám đốc điều hành của Công ty kỹ thuật y khoa G.tec giải thích.
G.tec quy tụ một nhóm chuyên gia các trường ĐH và các Viện nghiên cứu thiết kế một ngôi nhà thông minh, với tư cách là một bộ phận của dự án Presenccia do EU tài trợ, nhằm liên kết công nghệ BCI của các nước thành viên EU thành một mạng thống nhất. Mục tiêu của G.tec – cũng là mục tiêu của mạng liên kết này – là một ngôi nhà với đầy đủ các chức năng đã được tạo ra trong hiên thực ảo. Nó gồm nhà bếp, phòng tắm, các phòng ngủ… cũng như mọi tiện nghi khác như bất cứ một ngôi nhà bình thường nào.
Các thiết bị ghi điện não đồ được dùng để kiểm tra hoạt động điện trong não của người sử dụng thông qua rất nhiều điện cực gắn trên chiếc mũ đội đầu. Sau một thời gian huấn luyện, hệ thống này đã nhận diện được những sơ đồ đặc trưng của hoạt động thần kinh hình thành khi họ nghĩ đên một hành động cụ thể nào đó và tiếp đó, hành động sẽ được thực hiện. Người ngoài có thể theo dõi thông qua hiện tượng này từ các tín hiệu nhấp nháy của ánh sáng hoặc sóng vô tuyến.
Giải phóng khả năng cho những người tàn tật
Hiện tượng dịch chuyển và điều khiển các đồ vật hoàn toàn dựa vào dòng điện của sự suy nghĩ đã tạo ra cho những người tàn tật các khả năng mới và khả năng đang được giải phóng. Nó giúp cho những người liệt (hoặc bị cụt) cả tứ chi sử dụng được các chi giả một cách chủ động, cho phép những người mà cuộc sống gắn liền với chiếc xe lăn có thể đi lại trong hiện thực ảo và điều này đã được chứng minh trong một cuộc trình diễn của các nhà nghiên cứu Presenccia.
Mel Slater, điều phối viên của dự án Presenccia cho biết “Môi trường mạng (ảo) có thể được sử dụng để huấn luyện cho những người tàn tật điều khiển chiếc xe lăn thông qua giao diện giữa bộ não và máy tính. Học trong hiện thực ảo sẽ an toàn hơn là học trong thế giới thực, vì trong thế giới thực những sai lầm có thể gây ra các tai nạn, để lại hậu quả trên cơ thể”.
Trình diễn việc điều khiển các thiết bị của ngôi nhà thông minh bằng ý nghĩ. |
Một trong các ứng dụng mà g-tec triển khai còn cho phép người ta không chỉ điều khiển xe lăn mà - trên cùng hệ thống - còn điều khiển cả những robot nhỏ bằng ý nghĩ của mình. Bốn ngọn đèn trên một cái hộp nhỏ nhấp nháy theo các tần số giúp ta theo dõi mọi hoạt động của toàn hệ thống. Nhìn vào những bóng đèn bật tắt, có thể biết được robot chuyển động theo những hướng nào.
Đánh máy bằng ý nghĩ
G.tec triển khai cả một phương cách cho phép người ta đánh máy những ý nghĩ của mình thành những dòng chữ cụ thể. Người sử dụng ngồi trước một bàn phím các mẫu tự và con số, trên màn hình máy tính sẽ hiện lên những con chữ khi người đó chăm chú nhìn vào chữ mà mình định đánh. Hệ thống ghi hoạt động của não khi nhìn vào con chữ nào thì con chữ đó sẽ sáng lên.
Guger nói : “Một người có kinh nghiệm học “đánh máy bằng ý nghĩ” sẽ rất nhanh. Với tôi, để đánh máy một chữ chỉ cần 8/10 giây, tương đương với người đánh máy bằng một ngón tay”.
Các phần cứng và phần mềm càng tốt thì khả năng đánh máy bằng ý nghĩ càng nhanh, thậm chí cả những người tê liệt gần như mất khả năng giao tiếp cũng làm được việc này.
Vài năm trước, phải mất một phút mới đánh được một chữ và để dạy một người cần cả ngày. Giờ chỉ cần 5 phút là có thể học được các nguyên tắc và khi đã có kinh nghiệm thì đánh máy càng nhanh.
Độ chính xác của công nghệ BCI được nâng cấp khá nhiều: G.tec đã cho thấy 82% số người có thể thực hiện được việc này với độ chính xác 100%.
Ngôi nhà thông minh. |
Công nghệ còn áp dụng vào đâu nữa?
Tổng giám đốc G.tec cho rằng công nghệ BCI sẽ tiếp tục mở rộng ứng dụng sang lĩnh vực y học để hỗ trợ cho những người tàn tật và phục hồi chức năng cho những người bị đột quỵ, tai biến mạch máu não. Ông cũng dự đoán nó sẽ ngày càng phổ biến.
Đã từng được thử nghiệm trong thực tế ảo, ngôi nhà thông minh của g.tec trở thành một phần của sự án SM4all, được Chương trình khung của EU tài trợ.
G.tec, do Công ty “Christoph Guger and Günter Edlinger” thành lập vào năm 1999 với tư cách là một sản phẩm của Trường ĐH Công nghệ Graz đã được giới thiệu và trình diễn tại 55 nước trên thế giới.
-
Tuấn Hà (Theo Daily Mail)