Những người thường xuyên ngồi máy vi tính và lang thang trên internet, đặc biệt là thanh thiếu niên rất dễ bị trầm cảm, các nhà khoa học tuyên bố.
TIN LIÊN QUAN
Bị internet "trói chặt", dễ bị trầm cảm. Ảnh: Internet
Các nhà nghiên cứu đến từ Australia và Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra và nhận thấy rằng những người có thói quen vào internet nhiều giờ trong ngày (từ 5 – 10 tiếng/ngày) trở nên bứt rứt, hồi hộp, lo lắng thậm chí đứng ngồi không yên khi không được vào internet. Họ không thể tập trung vào các công việc khác khi không thể lướt mạng, đọc web. Họ cũng không có hứng thú với bạn bè hay các công việc theo kiểu người thật, việc thật mà chỉ có cảm hứng với thế giới ảo của internet. Và như vậy có nghĩa là họ đã có những thói quen biểu hiện bệnh lí trầm cảm và nguy cơ bị trầm cảm rất cao.
Các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra hơn 1000 thanh thiếu niên, độ tuổi trung bình là 15 với các câu hỏi về việc sử dụng internet của họ. Ở thời điểm bắt đầu tiến hành kiểm tra, chỉ có 6% trong số hơn 1000 người là có dấu hiệu bệnh lí trầm cảm của người sử dụng internet: thường xuyên chán chường, mệt mỏi, lo lắng… Và những nguyên nhân đó dẫn đến việc họ lại phải tiếp tục online, tiếp tục lang thang trên mạng. Không một ai trong số hơn 1000 bị trầm cảm vào thời điểm bắt đầu tiến hành nghiên cứu.
Một bộ phận lớn giới trẻ hiện nay thường mải mê trong thế giới ảo. Ảnh: Internet |
Chín tháng sau, hơn 1000 thanh thiếu niên này được tiến hành kiểm tra lại một lần nữa về những dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Lúc này đã có hơn 80 người mắc hội chứng trầm cảm. Kiểm tra thời gian sử dụng internet của họ thì thấy cao hơn hẳn so với những người khác.
Tiến sĩ Lawrence Lam, Đại học Y, Sydney và tiến sĩ Zi-Wen Peng, Đại học SunYat-Sen, Quảng Châu Trung Quốc, đã viết trong bản nghiên cứu của mình: “Kết quả này cho thấy rằng những người trẻ tuổi dù không hề có các vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng nếu lạm dụng internet thì hoàn toàn có thể mắc bệnh trầm cảm”.
Vấn đề sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên không chỉ chịu sự chi phối của chính bản thân họ và còn chịu sự tác động rất lớn từ môi trường, cộng đồng, xã hội. Do đó, chính xã hội phải có biện pháp để giảm thiểu các tác nhân có thể gây ra bệnh trầm cảm. Thêm vào đó, các trường học cũng nên rà soát và sớm phát hiện những trường hợp có dấu hiệu trầm cảm để đưa đi tư vấn và điều trị.
-
Đỗ Hòa (Theo Telegraph, Reuters)