Ba loài động vật lưỡng cư, được cho là đã tuyệt chủng, mới được các nhà khoa học thuộc Tổ chức bảo tồn quốc tế (CI) phát hiện xuất hiện trở lại tại tại châu Phi và Mexico.
TIN LIÊN QUAN
Loài ếch Omaniundu được nhìn thấy lần cuối cùng cách đây 30 năm. Ảnh: Telegraph.
Cách đây 1 tháng, Tổ chức bảo tồn quốc tế (CI) đã bắt đầu chiến dịch tìm lại những động vật lưỡng cư được cho là đã tuyệt chủng trên khắp thế giới. Kết quả, các nhà khoa học của CI đã tìm lại được 2 loài ếch ở phía tây châu Phi và một loài kỳ nhông ở Mexico.
Loài kỳ nhông mà các nhà khoa học mới phát hiện được cho là đã tuyệt chủng từ năm 1941. Để phát hiện được loài kỳ nhông này, các nhà nghiên cứu đã phải xuống một hang rất sâu và tối ở khu rừng hẻo lánh của Mexico.
"Kết quả này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì đây là lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy loài kỳ nhông này sau 60 năm”, tiến sĩ Robin Moore, điều phối viên dự án tìm lại những động vật lưỡng cư được cho là đã tuyệt chủng của CI, cho biết.
Hai loài ếch châu Phi được cá nhà khoa học phát hiện lại là loài ếch Omaniundu (Hyperolius sankuruensis) ở nước CHDC Congo, lần cuối cùng loài ếch này được nhìn thấy là vào năm 1979, và loài ếch núi Nimba (Hyperolius nimbae) tại Bờ Biển Nga, được cho là biến mất từ năm 1967. Tuy nhiên, môi trường sống của 2 loài ếch này đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Tiến sĩ Robin Moore hy vọng ngoài 3 loài động vật lưỡng cư mới được phát hiện lại ở trên, nhóm nghiên cứu của ông sẽ tìm ra được 100 loài động vật lưỡng cư được coi là đã tuyệt chủng khác trên thế giới: “Những phát hiện ban đầu của chúng tôi có ý quan trọng đối với con người cũng như các loài động vật được tìm thấy. Đây là một tín hiệu lạc quan trong việc tìm kiếm những loài động vật bị cho là đã tuyệt chủng khác”.
Dự kiến, kết quả nghiên cứu của CI sẽ được trình bày tại hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Đa dạng sinh học sẽ được tổ chức tại Nagoya, Nhật Bản vào tháng 10 tới. Tại hội nghị này, chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế sẽ thảo luận về nhân tố con người tác động như thế nào tới sự tuyệt chủng của các loài động thực vật trên thế giới.
-
Hà Hương (Theo BBC, Telegraph)