Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp AMS đối với các mẫu vỏ trấu của thóc Thành Dền cho thấy những vỏ trấu này thuộc “thời hiện đại”. Tuy nhiên, các nhà khoa học Việt Nam vẫn cho rằng “chưa có đủ cơ sở để khẳng định” và cần “tiếp tục nghiên cứu”.
TIN LIÊN QUAN
Tờ Thanh Niên sáng ngày hôm nay cho hay, ngày hôm qua (30/09), tại hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc, PGS. TS Lâm Thị Mỹ Dung, người chủ trì việc khai quật di chỉ Thành Dền xác nhận, việc xét nghiệm AMS đối với các mẫu vỏ trấu của thóc Thành Dền tại Nhật Bản cho kết quả đây là những mẫu thuộc “thời hiện đại”.
Những hạt thóc Thành Dền nảy mầm thuộc thời hiện đại. Ảnh: L.V. |
Tiến sĩ Dung cho biết, phân tích AMS đối với các vỏ trấu của hạt nảy mầm cho kết quả hàm lượng pMC của những mẫu này vượt quá 40 (pMC được hiểu là hàm lượng nguyên tố carbon hiện đại trong mẫu vật). Theo giải thích của bà Dung thì mức 40 là mức tiêu chuẩn. Thông thường nếu như hàm lượng pMC trong mẫu dưới 40 đơn vị thì mới tiến hành xác định niên đại. Nếu vượt quá 40 đơn vị thì đó là các mẫu hiện đại.
Như vậy, với hàm lượng pMC lớn hơn 40 đơn vị, có thể kết luận các mẫu vỏ trấu thu được từ những hạt thóc Thành Dền vốn được cho là có niên đại 3000 năm là những mẫu hiện đại.
Trước đó, thông qua quan sát đặc điểm hình thái cũng như phân tích gen của các cây lúa mọc lên từ những hạt thóc Thành Dền, các nhà khoa học đã khẳng định, về cơ bản lúa Thành Dền giống với giống lúa Khang Dân 18, một giống lúa hiện đại.
Kết quả xét nghiệm AMS từng được chờ đợi sẽ là cơ sở để đưa ra kết luận cuối cùng và chính xác nhất về niên đại của những hạt thóc Thành Dền gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, đến nay, kết quả việc xét nghiệm này lại vẫn làm các nhà khoa học phải đau đầu.
Theo nhiều nhà khoa học việc xác định niên đại vỏ trấu bằng phương pháp AMS về cơ bản không thể cho kết quả chính xác 100%. Bởi vì dù là vỏ trấu, chúng vẫn là các mẫu vật hữu cơ còn sự trao đổi chất cho tới khi bị tách ra khỏi hạt gạo. Điều này cũng có nghĩa, xét nghiệm bằng AMS sẽ cho kết quả “hiện đại” đối với bất kỳ mẫu vỏ trấu nào của các hạt thóc nảy mầm.
Theo tiến sĩ Dung, những người đồng nghiệp của bà tại Nhật Bản cũng xác nhận, phương pháp này là không thích hợp để xác định niên đại của những hạt thóc Thành Dền.
Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung cũng cho biết, sắp tới, bà sẽ gửi mẫu hạt thóc cháy tại các hố rác bếp để xác định niên đại. Nếu các hạt cháy này có niên đại cổ thì đó sẽ là cơ sở nghiên cứu tiếp những hạt đã nảy mầm và phát triển thành cây lúa như ở Viện Di truyền Nông nghiệp.
Ngoài ra, thóc từ những cây lúa này hiện vẫn tiếp tục được trồng lại, theo dõi trong điều kiện nghiêm ngặt hơn để so sánh về hình thái, nghiên cứu gene và ADN như kết luận tại cuộc hội thảo hồi đầu tháng 9 vừa qua.
-
L.V. (Tổng hợp)