Các nhà nghiên cứu ở Đức cho biết họ đã thử nghiệm thành công một thiết bị trợ giúp thị giác cho các bệnh nhân bị mù bẩm sinh, nhờ việc cấy ghép một con chip đằng sau võng mạc.
Chip này cho phép các bệnh nhân nhìn thấy các sự vật, hiện tượng bên ngoài với đôi mắt của chính mình chứ không giống như cách tiếp cận trước đây nhờ vào một công cụ khác ở bên ngoài người bệnh.
Mô tả mắt và vị trí đặt chip. Ảnh: BBC |
BBC cho biết giáo sư Eberhart Zrenner, trường Đại học Tuebingen, Đức cùng các đồng nghiệp bước đầu thử nghiệm cài đặt chip của họ trong khoang dưới võng mạc của 11 người.
Một vài trong số họ không đạt được hiệu quả gì trong thí nghiệm này. Tuy nhiên, khi con chip được đặt trong khu vực điểm vàng – trung tâm của võng mạc trên 3 người thì tất cả họ đều đã có thể nhận biết được xung quanh.
Kết quả tốt nhất đã đạt được với ông Miikka Terho, 46 tuổi, đến từ Phần Lan. Ông Terho đã có thể nhận ra dao kéo và một chiếc cốc trên bàn, mặt đồng hồ và phân biệt bảy sắc thái khác nhau của màu xám. Ông cũng có thể di chuyển xung quanh phòng một cách độc lập, thậm chí còn đọc được tên mình.
Chip này hoạt động bằng cách chuyển đổi ánh sáng đi vào mắt thành những xung điện được đưa vào thần kinh thị giác đằng sau mắt. Chíp được kết nối với một dây cáp trồi ra ở phía sau tai để kết nối với pin.
Các nhà nghiên cứu Mỹ nói rằng chip sẽ không phục hồi thị lực bình thường cho người khiếm thị, nhưng sẽ cung cấp hình ảnh vừa đủ để giúp người khiếm thị đi lại trong phòng.
-
Đỗ Hòa