Các nhà khoa học châu Âu tuyên bố, họ vừa tái tạo thành công một vụ nổ Big Bang mini trong phòng thí nghiệm bằng cách sử dụng "máy nghiền nguyên tử" lớn nhất thế giới, tạo ra một mức nhiệt độ "nóng hơn một triệu lần" so với vùng trung tâm mặt trời.
Theo BBC, trong một đường hầm dưới lòng đất gần Geneva, các chuyên gia thuộc Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu đã cho nghiền nát cùng lúc các hạt vật chất bên trong máy gia tốc trị giá 10 tỉ USD có tên gọi Large Hadron Collider.
Thông qua thí nghiệm trên, các nhà khoa học muốn tìm hiểu nhiều hơn về các plasma đã hình thành nên vũ trụ ngay sau vụ nổ Big Bang cách đây 13,7 tỉ năm. Các nhà khoa học cho biết, một quả bóng vật chất nhỏ đã phát nổ, rồi nhanh chóng tạo thành một món "súp" vật chất tan chảy và sau đó tự tái sắp xếp thành những gì hiện nay là vũ trụ.
Báo Telegraph đưa tin, cuộc thí nghiệm sử dụng các ion chì thay vì các hạt proton. Nó đã tạo ra những mật độ dày đặc nhất và nhiệt độ cao nhất từng được "nhào nặn" dưới tay của các nhà khoa học cũng như chế ra một dạng vật chất chưa từng được nhìn thấy trước đây trên Trái đất.
"Ở những nhiệt độ như thế, ngay cả proton và neutron - các thành phần tạo nên hạt nhân nguyên tử - cũng tan chảy, dẫn đến kết quả là một món súp nóng, đặc gồm các hạt quark và gluon được biết đến như một plasma quark-gluon", chuyên gia nghiên cứu David Evans thuộc Đại học Birmingham (Anh) cho hay.
Tờ Guardian giải thích thêm rằng, giây phút mà các nhà khoa học đang tái tạo từng xảy ra khoảng một phần trăm tỉ giây sau vụ nổ Big Bang, một khoảng thời gian khi "các hạt proton và neutron thậm chí có thể không còn nguyên vẹn".
-
Thanh Bình