Nhà cổ sinh vật học Sankar Chatterjee và các cộng sự của ông thuộc Đại học Texas Tech đã phát hiện thấy một hóa thạch xương khủng long dài khoảng 30ft (9,1 m). Hóa thạch được tìm thấy ở một vùng đồng bằng ở Lufeng, thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Hóa thạch tìm thấy cho thấy loài khủng long này đi bằng 4 chân và có cổ dài. Hộp sọ cao, rộng, hình mái vòm với hốc mắt ở hai bên, mõm ngắn, hàm rộng hình chữ U.
Hóa thạch của tổ tiên loài khủng long ăn cỏ khổng lồ. Ảnh: AP |
Răng của loài khủng long này có cấu tạo hình răng cưa và thìa giống như loài khủng long ăn cỏ Sauropods. Răng được cấu tạo rất chắc để nhai những cành lá đã được chúng hái từ trên cây cao nhờ chiếc cổ dài.
Những bộ xương ước tính có niên đại khoảng hơn 200 triệu năm. “Phát hiện này có thể giúp chúng ta hiểu hơn về quá trình tiến hóa của loài khủng long", giáo sư Sankar Chatterjee cho biết.
Ít nhất 6 loài khủng long khác có mối liên hệ gần gũi với Sauropods cũng được các nhà khoa học tìm thấy tại chính nơi mà bộ xương này được tìm thấy, tiến sĩ Randall Irmis thuộc trường đại học Utah (Mỹ) cho biết.
-
Đỗ Hòa (Theo Dailymail)