,
221
7943
Cảnh báo 24 giờ
canhbao24h
/khoahoc/canhbao24h/
944198
Liên tiếp xuất hiện bệnh nhân nhiễm cúm H5N1
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Liên tiếp xuất hiện bệnh nhân nhiễm cúm H5N1

Cập nhật lúc 17:09, Thứ Ba, 12/06/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Ngày 12/6, Bộ Y tế xác nhận thêm hai trường hợp bệnh nhân mới mắc cúm type A/H5N1 tại Thanh Hoá và Hà Nam. Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định, trong hai tuần tới, nguy cơ lây nhiễm cúm từ gia cầm sang người sẽ rất cao.

Nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người rất cao, đặc biệt khi người dân tiếp xúc hoặc ăn gia cầm nhiễm bệnh (Ảnh: VNN).

Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, cả hai trường hợp bệnh nhân nhập Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới đều là nữ. Một người 29 tuổi, ngụ tại xã Trường Sơn, huyện Sầm Sơn (Thanh Hoá). Ngày 25/5, bệnh nhân này nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau khi được chữa trị có tiến triển tốt nên đã ra viện.

Bệnh viện đã lấy mẫu gửi lên Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới, kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm type A (H5N1). Các triệu chứng lâm sàng mà người bệnh gặp phải cũng giống như trường hợp nhiễm cúm. Do vậy, lực lượng y tế, thú y đã cách ly bệnh nhân và gia đình người bệnh này để theo dõi, chữa trị kịp thời.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ hỗ trợ 2,5 triệu USD để Việt Nam nghiên cứu, sản xuất vắc-xin chống H5N1 ở người. Trong khi đó, công nghệ sản xuất vắc-xin này do Hungary chào bán lên tới 20 triệu USD.

Trước đó, bệnh nhân này đã ăn ngan chết do mẹ mình làm thịt. Việc gia cầm chết lực lượng thú y cũng không biết do gia đình không báo cáo.

Trường hợp thứ hai là một bệnh nhân 28 tuổi ở thôn Đào, xã Liêm Khiết, huyện Thanh Liêm (Hà Nam), phải nhập viện ngày 3/6. Kết quả xét nghiệm ngày 9/6 cho thấy bệnh nhân bị nhiễm cúm A (H5N1). Hiện trường hợp này phải tăng cường thở máy, tiên lượng sức khoẻ chưa rõ ràng. 

Theo ông Nga, tuần qua có nhiều bệnh nhân bị viêm phổi cấp nặng, với các triệu chứng lâm sàng tương đối giống cúm type A (H5N1) nhập Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới. Tuy nhiên, các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với bệnh cúm. Trước nguy cơ lây nhiễm cao bệnh cúm từ gia cầm sang người Bộ Y tế đã cử các đoàn cán bộ xuống cơ sở lấy hàng trăm mẫu nghi nhiễm cúm về xét nghiệm, đến thời điểm này chưa phát hiện thêm trường hợp nào.

Song, ông Nga cho rằng, khó khăn hiện nay là gia đình bệnh nhân thường rất nghèo, trong khi chi phí điều trị quá cao (khoảng 5.000 USD cho một đợt điều trị 6 ngày, tương đương gần 100 triệu đồng). Trong khi đó, bệnh nhân chỉ lo được 40 triệu đồng nên kiến nghị bệnh viện miễn giảm chi phó. Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới cũng chưa biết giải quyết ra sao khi phải tự chủ về tài chính.

2 tuần tới, số bệnh nhân nhiễm cúm sẽ tăng cao

Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, tuần qua, số các tỉnh mới bùng phát các ổ dịch có ít so với trước, nhưng các ổ dịch vẫn tăng ở 16 tỉnh đang có dịch. Nỗi lo lớn hơn chính là nguy cơ lây nhiễm từ gia cầm sang người, đặc biệt là hiện nay, 12,8% thuỷ cầm (bình quân cả nước) có chứa mầm virus H5N1, trong đó riêng Hà Nội là 21,7%. 

Bên cạnh đó, dịp Tết Đoan ngọ (5/5) sắp tới sẽ là cơ hội để virus H5N1 lây từ gia cầm sang người khi người dân giết mổ thuỷ cầm, thậm chí ăn cả tiết canh. Nguy cơ lây nhiễm cúm A (H5N1) sang người, đặc biệt đối với phụ nữ, sẽ rất cao. 

Ông Hoàng Văn Năm, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cảnh báo, tại miền Trung có ít địa phương bùng phát dịch không phải là do công tác phòng chống ở khu vực này tốt. Nguyên nhân là do thời điểm này, các tỉnh miền Trung đang gieo sạ, vịt thả đồng ít. Số còn lại kiểm soát được do nuôi nhốt trên ao, sông. Một số tỉnh có dịch là do tiêm phòng chưa tốt. 

Ông Năm e ngại đến khi thu hoạch, miền Trung sẽ khó tránh tình trạng như ở miền Bắc hiện nay khi vịt được ấp nở ồ ạt trở lại, địa phương không thể kiểm soát được. 

Trong khi đó, theo Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh, đến thời điểm này, vắc-xin cho đàn vịt chỉ còn khoảng hơn 33 triệu liều, đủ để tiêm phòng cho khoảng 1 tháng nữa. Số vịt mới ấp nở nhiều buộc Cục Thú y phải xin phép nhập gấp vắc-xin dùng cho cả hai năm 2007-2008 (khoảng 500 triệu liều, đã nhập 250 triệu liều). 

Riêng vắc-xin H5N9 cho ngan cũng chỉ còn hơn 920.000 liều trong số 9 triệu liều nhập về. Một số tỉnh cũng rất cần loại vắc-xin đó, nhưng Cục Thú y chưa dám đề nghị nhập thêm do vắc-xin này đóng 1.000 liều/chai, không tiêm hết rất lãng phí.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là thời điểm 2 tuần tới, để người dân cảnh giác hơn khi giết mổ, tiêu thụ gia cầm. Về công tác phòng chống dịch, ông Phát cho biết sau khi đi kiểm tra tại Đại Xuyên -  trại vịt lớn nhất Hà Tây, kết luận rằng nếu chính quyền địa phương thực sự quan tâm, quyết liệt thì việc phòng chống dịch cúm cơ bản là làm được. 

Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu mỗi huyện phải có một kho bảo quản vắc-xin, khi người dân có nhu cầu là lực lượng thú y phải cử cán bộ xuống tiêm ngay. Cần làm thường xuyên, liên tục, chặt chẽ việc tiêm phong, nhất là trong thời điểm cao điểm hiện nay. 

Tiêm phòng triệt để 100% đàn vịt

Bộ trưởng Cao Đức Phát vừa có Công điện 22 yêu cầu các địa phương triển khai công tác phòng chống dịch với tinh thần khẩn cấp ở mức cao nhất. Đồng thời, sẽ kiểm điểm nghiêm túc lãnh đạo địa phương khi không hoàn thành nhiệm vụ để dịch xảy ra, đặc biệt là vai trò của chính quyền cơ sở (xã, thôn).  

Các địa phương cần thực hiện tiêm phòng triệt để 100% đàn vịt đến tuổi tiêm phòng, đặc biệt chú ý đàn vịt mới tái đàn. Trường hợp vịt, ngan sẽ được tiêu thụ trong vòng 15 ngày tới thì không tiêm, nhưng phải nuôi nhốt để theo dõi và áp dụng các biện pháp tiêu độc, khử trùng để tránh bị lây nhiễm hoặc hạn chế phát tán vi rút khi đã lây nhiễm.

Trong thời gian đang còn công bố dịch, Ban chỉ đạo nghiêm cấm việc vận chuyển gia cầm của xã có dịch và các xã tiếp giáp ra khỏi địa bàn; cấm tạm thời việc vận chuyển các loại thuỷ cầm ra khỏi phạm vi những tỉnh có dịch chưa qua 21 ngày.

Trong tuyên truyền, các địa phương cần nhấn mạnh một số nguy cơ phát dịch: nuôi gia cầm không rõ nguồn gốc; nuôi vịt không được tiêm phòng; nuôi chung gà, vịt và các loại gia cầm khác... 

Để bảo vệ tính mạng, người dân không ăn tiết canh vịt, ngan, không ăn thịt gia cầm mắc bệnh, thức ăn có sản phẩm gia cầm phải được nấu chín. Những người tiếp xúc với gia cầm, giết mổ gia cầm phải có trang bị bảo hộ đề phòng nhiễm bệnh.

  • Hà Yên
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,