TP.HCM: Cảnh báo thịt heo bệnh tai xanh!
(VietNamNet) - Ngày 30/7, Chi cục Thú y TP.HCM cảnh báo, phòng ngừa heo bệnh từ miền Trung "chạy" về TP. Người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm từ gia súc bệnh, chết, không rõ nguồn gốc, không được ăn tiết canh.
TP.HCM đang có nguy cơ bùng phát dịch heo tai xanh! Ảnh minh họa (Ảnh:VietNamNet) |
Chi cục Thú y TP.HCM cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch heo tai xanh khi phát hiện các hộ nuôi heo ở một số nơi như quận 12, Hóc Môn, Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi đã mua heo từ Bình Định, nơi đang có dịch, về nuôi.
Theo ông Phan Xuân Thảo, Phó Chi cục trưởng, tại các quận này, heo đã được đưa vào trực tiếp tại các hộ chăn nuôi nhập cư để nuôi chứ không phải phục vụ cho hoạt động giết mổ. Đây là vùng có nguy cơ bùng phát dịch heo tai xanh rất cao.
"Hiện nay, các hộ chăn nuôi nhập cư được các thương lái bảo kê, chừng nào bỏ heo vào chuồng mới tính tiền chứ không phải mua sang tay hay chuyển tới chuyển lui. Nguồn heo tại các hộ chăn nuôi nhập cư đều mua về từ Bình Định, nơi đang có dịch bệnh heo tai xanh hoành hành," ông Thảo nói.
Do đó, ngành thú y đã đề nghị các chính quyền địa phương thành lập các tổ để chốt chặn tại vùng chăn nuôi nhập cư như Bình Chánh (Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B); Bình Tân (Bình Hưng Hoà B, Bình Trị Đông); Hóc Môn (Đông Thạnh, Xuân Thới Thượng); Củ Chi (Tân Phú Trung) và quận 12 (Hiệp Thành , Thạch Xuân, Thới An).
Không ăn thịt heo bệnh |
Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp trên heo, còn gọi là "bệnh tai xanh" là bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh, gây sẩy thai trên heo nái chửa hoặc gây bệnh đường hô hấp, đặc biệt ở heo con cai sữa. Vi-rút gây bệnh có trong dịch mũi, nước bọt, tinh dịch, sữa, phân, nước tiểu.... Bệnh lây lan nhanh trên đàn heo do tiếp xúc trực tiếp với gia súc bệnh, hay gián tiếp qua gieo tinh nhân tạo; chất thải; không khí; dụng cụ chăn nuôi hoặc qua việc vận chuyển, mua bán, giết mổ heo bệnh... Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, bệnh tai xanh đang lây lan ở miền Trung, nhất là Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, với tổng đàn lớn bị nhiễm bệnh khoảng 30.000 con. Người tiêu dùng không được mua, không sử dụng sản phẩm từ gia súc bệnh, chết, không rõ nguồn gốc, không được ăn tiết canh. |
Quận 12 có 27 hộ chăn nuôi nhập cư; Bình Chánh có 127 hộ với tổng đàn hơn 12.000 con; Hóc Môn có 10 hộ, Củ Chi có 8 hộ. Đặc biệt, quận Bình Tân hiện nay, ngành thú y mới chỉ thống kê được 434 hộ chăn nuôi nhập cư với tổng đàn heo lên đến 23.415 con.
Điều đáng lo ngại hơn nữa, việc các hộ chăn nuôi nhập cư gom góp cơm thừa canh cặn về làm thức ăn cho heo, không chỉ làm bùng phát dịch heo tai xanh mà còn nhiều dịch bệnh khác trên heo.
Do đó, để kiểm soát và xử lý các hộ chăn nuôi nhập cư này, nếu không có khai báo, không có giấy chứng nhận, ngành thú y đã đề xuất với ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương cưỡng chế đưa nguồn heo này vào giết mổ bắt buộc và không cho nuôi.
Cũng trong 2 - 3 ngày qua, nhiều nơi giết mổ trái phép đã bị phát hiện tại Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, quận 12. Ngoài ra, Chi cục Thú y đã phát hiện và tiêu hủy lô hàng gồm 120 con heo sữa đã được giết thịt, ướp lạnh, không rõ nguồn gốc và không có giấy tờ kiểm dịch động vật.
Trong giai đoạn có dịch như hiện nay, để phòng ngừa tư thương lợi dụng chen độn heo bị dịch bệnh vào hàng chính phẩm dưới dạng heo sống, heo đã giết mổ nguyên con kể cả heo đã pha lóc, Chi cục Thú y TP.HCM đã đề xuất với các cơ quan chức năng tạm ngưng nhập hàng kể từ Khánh Hoà trở ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc.
Theo thống kê, từ ngày 1/1 - 30/6/2007, Vissan đã nhập vào 1.893.066kg thịt heo đã pha lóc. Còn toàn thành phố đã nhập 107.642 con heo, trọng lượng từ 3 - 20kg.
Các Trạm Kiểm dịch đầu mối giao thông như An Lạc - An Sương, quốc lộ 1A, Thủ Đức..., cảnh sát giao thông kết hợp với quản lý thị trường và ngành thú y tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc từ các tỉnh miền Bắc và Trung nhập vào thành phố.
Gia súc và sản phẩm gia súc vận chuyển không có giấy chứng nhận kiểm dịch sẽ bị xử lý tiêu huỷ tại chỗ. Các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nhập vào thành phố sẽ được tiêu độc khử trùng chặt chẽ tại các trạm kiểm dịch.
Còn tại các cơ sở giết mổ, chủ cơ sở phải thực hiện đầy đủ nghiêm túc thủ tục kiểm dịch và quy trình giết mổ, tiêu độc sát trùng hàng ngày theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Trường hợp vi phạm khi phát hiện nhập heo bệnh tai xanh vào giết mổ sẽ xử lý tiêu huỷ cả lô hàng và định chỉ hoạt động giết mổ trong 3 ngày. Nếu cơ sở tiếp tục tái phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động trong vòng 1 tháng.
-
Hương Cát