Thanh Hóa: Một trẻ tử vong do H5N1
(VietNamNet) - Một bệnh nhân 15 tuổi ở huyện Hoằng Hoá (Thanh Hóa) đã tử vong ngày 3/8, trên đường chuyển ra Viện Các bệnh Nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia. Kết quả xét nghiệm dương tính virus H5N1. Trước đó, nhà bệnh nhân có nuôi đàn ngan và ngan bị chết dần.
TS. Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, bệnh nhân Cao Trọng Toản (nam) nhập Bệnh viện huyện Hoằng Hóa ngày 27/7 trong tình trạng khó thở.
Ngan vẫn có thể là ổ bệnh để từ đó lây sang người (ảnh TT).
Đến 1/8, em tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm cúm tuyp A (H5N1) với tiến triển ngày càng nặng, ngày 3/8, bệnh viện đã chuyển bệnh nhân ra Viện Các bệnh Nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia (Hà Nội).
Bệnh nhân đã tử vong trên đường chuyển viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đã nhiễm cúm A (H5N1).
Ông Nga nói rằng, gia đình bệnh nhân đã mua 20 con ngan nhỏ ở chợ Hoàng Vinh từ ngày 19/7 về nuôi. Số ngan này chết dần nhưng gia đình không báo với cán bộ thú y địa phương. Ngay lập tức, Bộ Y tế đã chỉ đạo tiêu huỷ đàn thủy cầm, thực hiện tiêu độc, tẩy trùng xung quanh khu vực gia đình này. Bộ cũng đã phối hợp lấy 33 mẫu bệnh phẩm từ những người thân trong gia đình để xét nghiệm, kết quả âm tính với H5N1.
Như vậy, Bộ Y tế ghi nhận từ hồi tháng 5 đến nay, Việt Nam có thêm 7 trường hợp bệnh nhân mắc cúm tuýp A (H5N1), 4 người tử vong. Tổng cộng, đã có 100 trường hợp ở Việt Nam nhiễm cúm, 46 người tử vong.
Vào chiều 7/8, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm, Thứ trưởng NN-PTNT Bùi Bá Bổng nhận xét, trước số người tử vong do nhiễm cúm A (H5N1) tăng, cần xác định lại độc tính của virus, đồng thời, đánh giá sự phân bổ của virus này ở các địa phương.
Hiện toàn quốc còn 3 tỉnh có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày là: Điện Biên (10 xã, phường), Đồng Tháp (4 xã) và Quảng Bình (1 xã). Quảng Bình 17 ngày qua không phát sinh ổ dịch mới. Đáng lo ngại là vừa qua, ở Điện Biên đã phát hiện người dân vứt hàng nghìn gia cầm xuống sông, địa phương đã phải tổ chức đi vớt.
Vì thế, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng vẫn yêu cầu các địa phương và người dân cảnh giác với dịch cúm do vẫn có thêm bệnh nhân tử vong. Đặc biệt, ngành y tế cần tiếp tục điều tra dịch tễ học nhằm phát hiện sớm bệnh nhân, xử lý triệt để những người nghi mắc cúm.
-
H.Y