Sao chổi - tảng băng trôi của vũ trụ
13:52' 20/02/2003 (GMT+7)
Sao chổi Halley

Người ta cho rằng sao chổi là những mẩu còn sót lại của vật liệu đã tạo nên trái đất, mặt trăng và các hành tinh cách đây khoảng 4,5 tỷ năm. Kể từ đó, vật chất trên trái đất và 8 hành tinh còn lại đã bị biến đổi bởi các quá trình sinh học và hoá học. Tuy nhiên, vật chất vẫn giữ được dạng sơ khai của nó trong một số tiểu hành tinh và sao chổi.

Theo định nghĩa hiện nay, sao chổi là những khối nước, đá và bụi đóng băng - một loại núi băng trôi của vũ trụ, bắt nguồn ở vùng ngoài của Thái dương hệ.

Cấu trúc sao chổi

Khi sao chổi tiến gần mặt trời và hoạt động, chúng có nhiều bộ phận. Trung tâm của sao chổi là hạt nhân của nó, có đường kính vài kilomet. Hạt nhân được tạo nên chủ yếu từ băng, quanh băng là một lớp vỏ tối chưa rõ thành phần. Quanh hạt nhân là một đám mây dày đặc gồm nước, CO2 và các loại khí khác toả ra từ hạt nhân (khí thoát). Thành phần dễ phân biệt nhất của sao chổi là đuôi của nó - một vệt gồm các hạt bụi nhỏ bé bị khí thoát đẩy khỏi nhân.

Sao chổi bốc hơi khi tiến gần mặt trời và ''mọc'' ra một chiếc đuôi sáng. Đuôi sao chổi có thể dài tới 10 triệu km. Nó có thể để lại đằng sau các vệt khí trải dài hàng trăm triệu kilomet. Một số sao chổi có hai đuôi - một đuôi bằng khí và một đuôi nữa ở bên trong bằng bụi. Sao chổi cũng có thể chứa các amino acid, một trong những thành phần kiến tạo sự sống. Do vậy, một số nhà khoa học cho rằng sự va chạm của sao chổi có lẽ đã đã mang thành phần đầu tiên của sự sống tới trái đất.

Sao chổi trở nên sáng nhất khi gần mặt trời. Sở dĩ con người trên trái đất có thể nhìn thấy chúng là vì 2 lý do. Bụi tuôn ra phía sau hạt nhân của sao chổi phản xạ ánh mặt trời và các loại khí nhất định, được mặt trời kích hoạt, cũng phát sáng.

Tại sao lại nghiên cứu sao chổi?

Cơ quan vũ trụ châu Âu dự định phóng phi thuyền Rosetta để thăm dò sao chổi Wirtanen vào tháng 1 vừa qua song đã hoãn lại do trục trặc liên quan tới Ariane 5 - tên lửa sẽ phóng Rosetta. Phóng một phi thuyền để nghiên cứu chúng sẽ giúp con người biết được nguồn gốc hệ mặt trời và trái đất. 

Trong thời cổ đại, con người cho rằng một sao chổi xuất hiện trên bầu trời đêm báo hiệu rằng thảm hoạ đang tới. Thậm chí từ ''disaster'' (thảm hoạ) phái sinh từ chữ astre trong tiếng La tinh, nghĩa là ''star'' (ngôi sao). Sao chổi nổi tiếng nhất trong các sao chổi được đặt tên theo nhà thiên văn học Edmund Halley. Ông dự đoán chuyến thăm của sao chổi này vào năm 1758. Vào năm 2061, con người trên trái đất sẽ lại có cơ hội nhìn thấy sao chổi Halley. 

Tại Trung Quốc, các văn tự cổ ghi chép về sao chổi Halley có từ năm 240 trước C.N. Tấm thảm thêu Bayeux, kỷ niệm Cuộc chinh phục nước Anh của người Norman vào năm 1066, môt tả sự xuất hiện của một sao chổi giống Halley.

Sao chổi được đặt tên theo những người phát hiện ra chúng. Ví dụ, Wirtanen được đặt tên theo Carl Wirtanen thuộc Đài thiên văn Lick ở California. Ông tình cờ phát hiện ra nó vào ngày 15/1/1948 trong khi kiểm tra các tấm ảnh. Nhiều sao chổi do các nhà thiên văn nghiệp dư phát hiện. Sao chổi  Ikeya-Zhang, được đặt tên theo hai người yêu thích tìm kiếm sao chổi ở Nhật Bản và Trung Quốc. Người ta thoáng nhìn thấy nó vào tháng 3 sau khi nó trở về vùng phía trong của Thái dương hệ lần đầu tiên sau 341 năm. 

Mới đây, Soho - vệ tinh chung của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) và NASA được thiết kế để đưa ra những cảnh báo về thời tiết vũ trụ mà có thể ảnh hưởng tới trái đất - phát hiện sao chổi Neat đang tiến dần tới vị trí gần mặt trời nhất. Tính toán cho thấy nó đã từng đi qua vùng phía trong của Thái dương hệ một lần song lần đó xảy ra cách đây 37.000 năm.

Ngôi nhà của sao chổi

Sao chổi bắt nguồn từ 2 vùng, Vành đai Kuiper và Đám mây Oort. Vành đai Kuiper gồm những thiên thể đóng băng trải dài từ Hải Vương tinh ra phía ngoài, vượt qua cả Diêm Vương tinh. Sao chổi trong vùng này được gọi là ''những sao chổi thời kỳ ngắn'' do thời gian tương đối ngắn mà chúng cần để di chuyển theo quỹ đạo quanh mặt trời. Một số nhà thiên văn cho rằng Diêm Vương tinh thực sự là một thành viên của Vành đai Kuiper, nên xếp loại Diêm Vương tinh là một sao chổi khổng lồ chứ không phải là một hành tinh.

Đám mây Oort là một vỏ hình cầu bao quanh Thái Dương hệ. Nó chứa khoảng 10 nghìn tỷ sao chổi có khối lượng tổng hợp bằng khối lượng trái đất. Đây là ''ngôi nhà'' chính của các sao chổi, cách mặt trời 9 nghìn tỷ km. Các thiên thể trong vùng này được gọi là ''các sao chổi thời kỳ dài'' bởi chúng cần nhiều thời gian để đi hết một vòng quanh mặt trời.

Trung bình cứ khoảng 5-6 năm một lần, con người trên trái đất có thể nhìn thấy một sao chổi bằng mắt thường. Những buổi trình diễn ngoạn mục hơn xảy ra khoảng 10 năm một lần. Tuy nhiên, sao chổi để lại đằng sau những bằng chứng khác về sự tồn tại của chúng. Bất cứ khi nào trái đất của chúng ta đi xuyên qua đuôi của một sao chổi, các sao băng bắn khắp bầu trời và người ta gọi những sao băng này là ''mưa sao băng''. Chẳng hạn như mưa sao băng Perseid, xuất hiện trên bầu trời của chúng ta vào tháng 8, là do đuôi của sao chổi Swift-Tuttle gây ra.

Thái dương hệ gồm mặt trời, 9 hành tinh, trên 100 vệ tinh của các hành tinh và một số lớn thiên thể nhỏ (sao chổi và tiểu hành tinh). Vùng trong của Thái dương hệ gồm mặt trời, Thuỷ tinh, Kim tinh, trái đất và Hoả tinh (xếp theo thứ tự gần mặt trời). Các hành tinh thuộc vùng ngoài Thái dương hệ là Mộc tinh, Thổ tinh, Thiên Vương tinh, Hải Vương tinh và Diêm Vương tinh.

Minh Sơn (tổng hợp)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Tàu con thoi Columbia - nhiệm vụ và thảm kịch (18/02/2003)
Tiểu đường và các phương pháp điều trị (10/02/2003)
Tiểu đường và các phương pháp điều trị (02/01/2003)