|
Hai con chuột nhân bản đầu tiên. | Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu nông nghiệp quốc gia Pháp tuyên bố đã nhân bản thành công cả chuột cái lẫn chuột đực. Như vậy, loài gặm nhấm này đã chính thức gia nhập danh sách các động vật được nhân bản từ tế bào trưởng thành.
Chuột được nhân bản muộn hơn so với cừu, dê, bò, lợn, la và ngựa bởi giới khoa học gặp phải những khó khăn độc nhất vô nhị trong việc kiểm soát sự phát triển của trứng ở giải đoạn đầu của quá trình nhân bản. Chuột tiến hoá để sinh sản nhanh và trứng của chúng bắt đầu kích hoạt ngay khi rời buồng trứng. Điều đó có nghĩa là trứng chín quá nhanh nên các chuyên gia không có đủ thời gian để rút nhân. Họ buộc phải tìm ra kỹ thuật vượt qua trở ngại trên.
Để nhân bản chuột, các nhà nghiên cứu lấy trứng của một số cá thể chuột cái rồi cho trứng đó tiếp xúc với 1 loại protein. Protein có thể dừng quá trình kích hoạt của trứng để trứng không chín quá nhanh. Bằng cách đó, họ có thể rút ADN (nhân) của trứng và thay thế nó bằng ADN lấy từ một tế bào trưởng thành. Tế bào trưởng thành được chích từ phôi chuột. Kỹ thuật này được gọi là chuyển nhân tế bào xoma và đã được sử dụng để nhân bản cừu Dolly. Kết quả là họ thu được 129 phôi sống.
Sau đó, phôi sống phân chia và được cấy vào tử cung của 2 con chuột cái (65 phôi vào một cá thể chuột và 64 phôi còn lại vào một con khác). Tuy nhiên, cũng như việc nhân bản các động vật khác, tỷ lệ thất bại là rất cao. Hai bà mẹ sinh ra 3 chuột con. Một con chết ngay sau khi chào đời. Chuột con sống sót giống hệt tế bào trưởng thành về mặt di truyền. Kỹ thuật trên được lặp lại và tạo ra 2 chuột cái khoẻ mạnh. Theo Fraichard, một thành viên của nhóm nghiên cứu, 4 con chuột nhân bản ''phát triển bình thường và trưởng thành''. Hai thế hệ chuột khoẻ mạnh đã chào đời sau khi nhóm nghiên cứu cho 2 cặp chuột nhân bản đầu tiên giao phối với nhau.
Việc nhân bản chuột không phải nhằm mục đích hoàn thiện kỹ thuật nhân bản người. Theo nhóm nghiên cứu, thành công này sẽ giúp giới khoa học dễ dàng tạo ra những con chuột bị mắc các căn bệnh giống như ở người, phục vụ quá trình nghiên cứu nhằm tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả hơn, cụ thể là thử nghiệm thuốc và liệu pháp mới. Chuột là một trong những động vật được sử dụng rộng rãi làm mô hình khoa học nghiên cứu nhiều chứng bệnh chẳng hạn như huyết áp cao, tiểu đường và một số chứng rối loạn thần kinh.
Công nghệ nhân bản có thể mở rộng các chứng bệnh mà chuột có thể mắc phải giống như con người. Các chuyên gia đã coi thành công này là một bước tiến quan trọng trong nghiên cứu y học. Bước tiếp theo của nhóm là đưa một gene người vào chuột nhân bản và sử dụng chúng để nghiên cứu các liệu pháp điều trị bệnh liên quan tới gene. Gene đầu tiên sẽ liên quan tới một chứng rối loạn chuyển hoá di truyền ở người. Tuần trước, một nhà khoa học Mỹ tuyên bố sẽ nhân bản người vào cuối năm nay.
(Minh Sơn - Theo BBC, Reuters, ABCNews)
|